Tôi đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Hà Nội, Công ty này đã nợ lương của tôi và người lao động khác từ tháng 10/2021 đến nay. Giám đốc công ty cũng đã nhiều lần hứa hẹn sẽ trả lương đầy đủ cho nhân viên từ tháng 10/2021 đến thời điểm hiện tại nhưng đến nay vẫn chưa trả. Cho tôi hỏi, tôi có được yêu cầu mở thủ phá sản công ty để yêu cầu công ty thanh toán tiền lương hay không? Xin cảm ơn!
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào Anh/chị Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt. Công ty Luật Sao Việt tư vấn cho Anh/chị như sau:
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Toà án nhân dân ra quyết định phá sản. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật phá sản 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn của người lao động yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:
“Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”
Như vậy, căn cứ quy định trên người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện.
Thủ tục phá sản doanh nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có các nội dung chủ yếu như sau:
+ Ngày, tháng, năm;
+ Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
+ Tên, địa chỉ của người làm đơn;
+ Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
+ Tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp không trả cho người lao động.
Lưu ý, người lao động khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, kèm theo đơn phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn.
Bước 2: Toà án nhận và xử lý đơn
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý:
+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
Đối với trường hợp của bạn là người lao động nộp đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật phá sản 2014 thì không phải nộp lệ phí phá sản.
+ Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung theo quy định thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;
+ Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;
+ Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Bước 3: Toà án thụ lý đơn
Đối với trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý là ngày Toà án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Bước 4: Mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Thông báo quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.
Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.
Bước 5: Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản
Sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản, Tòa án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự như sau:
+ Chi phí phá sản;
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ
+ Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ theo thứ tự phân chia như trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, thành viên công ty và các cổ đông,…
Các nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com