Thời gian gần đây, việc nhiều nghệ sĩ nhận quảng cáo sản phẩm sai sự thật, không đúng công dụng sản phẩm liên tiếp xảy ra. Vì là những người có sức ảnh hưởng, có thể tiếp cận công chúng một cách dễ dàng nên khi nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vậy pháp luật quy định hình thức xử lý đối với những vi phạm này như thế nào?

Chưa có chế tài xử phạt thích đáng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo bán  hàng online sai sự thật | VTV.VN

Nguồn ảnh: VTV

1. Quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm

Theo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm:

“9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, không chỉ riêng nghệ sĩ mà tất cả người dân nếu có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố… đều sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.

Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân; buộc cải chính thông tin. Tùy vào tính chất của sản phẩm được quảng cáo mà biện pháp khắc phục cũng sẽ được áp dụng phù hợp.

3. Xử lý hình sự

Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 197 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc vẫn còn án tích chưa được xóa về tội này mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer