Anh Huy ( Hoài Đức – Hà Nội) : Chào Luật sư. Gần nhà tôi ở có một cửa tiệm cầm đồ chuyên thu mua, cầm cố các xe máy không giấy tờ. Để hợp pháp hóa chiếc xe và lừa người mua, họ liên kết với một nhóm làm biển số xe giả. Vậy tôi muốn hỏi hành vi sản xuất, sử dụng biển số xe giả đó bị xử phạt như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 15/2014/TT-BCA được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 64/2017/TT-BCA, theo đó cơ quan đăng ký xe được quy định như sau:

1. Cục Cảnh sát giao thông đăng ký, cấp biển số xe của Bộ Công an và xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó; xe ô tô mua sắm từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này”.

2. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông) đăng ký, cấp biển số các loại xe sau đây (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này):

a) Xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc; xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên hoặc xe có quyết định tịch thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, kể cả xe quân đội làm kinh tế có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương.

b) Xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe có kết cấu tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện của cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc cư trú tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở.

3. Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc cư trú tại địa phương mình (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này).

4. Trong trường hợp cần thiết, do yêu cầu thực tế tại các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa hoặc các địa phương có khó khăn về cơ sở vật chất, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, có thể quyết định giao Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức đăng ký, cấp biển số xe theo cụm nhằm bảo đảm thuận tiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xe.”

Theo quy định nêu trên, có thể thấy, việc đăng ký và cấp biển số xe máy cho các cá nhân thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, tất cả các biển số xe máy được sản xuất bởi các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác, không đúng trình tự, thủ tục luật định thì đều được coi là biển số xe giả. Cùng với đó, hành vi sản xuất, sử dụng biển số xe giả là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008; tùy theo tính chất, mức độ mà người sản xuất, sử dụng biển số xe giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, người sử dụng biển số xe giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể theo Khoản 2c Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.”

Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tịch thu Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa (theo Khoản 4b Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP), thậm chí bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày bởi cơ quan có thẩm quyền (theo Khoản 1g Điều 82 Nghị định này).

Thứ hai, người sản xuất biển số xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 BLHS 2015:

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer