Tôi đặt hàng online trên các trang thương mại điện tử khá nhiều, gần đây tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi giới thiệu sản phẩm, thậm chí cả các cuộc gọi lừa đảo nhận phần quà. Có lần tôi còn bị lừa nhận một món hàng mà mình không hề đặt. Đáng nói là những kẻ gọi điện nắm rất rõ thông tin cá nhân của tôi như họ tên, ngày sinh, số chứng minh nhân dân. Tôi nghi ngờ thông tin của mình bị lộ từ 1 trang thương mại điện tử. Tôi muốn hỏi pháp luật hiện nay xử lý như thế nào đối với những trường hợp sử dụng trái phép thông tin của khách hàng như vậy?

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời: 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Quyền được bảo đảm an toàn bí mật thông tin khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ là một trong những quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, được quy định cụ thể hóa tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Cũng theo quy định tại Điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì cần có trách nhiệm như sau:

“a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;

b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;

c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;

d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;

đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, trường hợp sàn thương mại điện tử thu thập thông tin người dùng và làm rò rỉ hoặc sử dụng thông tin này trái với mục đích thu thập, sử dụng thông tin ban đầu, không được người tiêu dùng đồng ý thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại  Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định;

b) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định;

c) Không bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ đối với thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng, chuyển giao theo quy định;

d) Không tự điều chỉnh hoặc không có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin không chính xác theo quy định;

đ) Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng”.

Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. 

Ngoài ra, đối với một số hành vi vi phạm tương tự được nêu tại Khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng đối với các hành vi sau:

- Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; 

- Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; 

- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

 

Tuy nhiên, cần phải nói rằng hiện nay việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trong việc thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân của khách hàng chưa được giải quyết mạnh tay. Mặc dù đã có quy định xử phạt, tuy nhiên quy định chưa thống nhất và còn nhiều chồng chéo. Việc xử phạt trên thực tế khó diễn ra do khó chứng minh sai phạm của doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp của bạn, mặc dù bạn nghi ngờ thông tin của mình bị lộ trên sàn giao dịch thương mại điện tử tuy nhiên cũng không có bằng chứng xác đáng để tố cáo sai phạm của doanh nghiệp này; rất dễ bị coi là hành vi vu khống.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer