Theo báo chí đưa tin trong thời gian gần đây có xảy ra vụ việc cô giáo T (giáo viên trường THCS Duy Ninh, Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã phạt em H.L.N (học sinh lớp 6) bằng cách bắt mỗi em trong lớp tát N 10 cái (tổng 231 cái tát) với lý do nói tục. Hậu quả là em N phải nhập viện cấp cứu. Theo thông tin tìm hiểu thêm thì trước đây cũng có 9 em học sinh khác đã bị phạt tát như vậy (nhưng không bị nhiều như em N). Ngày 26/11/2018, Trưởng công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ký quyết định khởi tố vụ án “Tội hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật hình sự. Hiện tại chưa rõ quyết định khởi tố đã được Viện kiểm sát phê chuẩn hay chưa. (Nguồn: vnexpress.net/)

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Nguồn: Internet)

Theo dõi vụ việc nêu trên, Luật sư Sao Việt cho rằng việc giáo viên T phạt học sinh N 231 cái tát vì tội nói tục trước hết là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Xét về mặt pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm pháp lý của cô giáo T cần được đánh giá toàn diện dựa trên tình tiết của vụ việc cũng như hậu quả thực tế xảy ra để có thể kết luận cô giáo T phải chịu trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực giáo dục hay đủ yếu tố để cấu thành tội phạm.

Trước hết, hành vi của cô giáo T đã vi phạm vào quy định cấm trong pháp luật đối với nhà giáo tại Điều 75 Luật giáo dục năm 2005. Và theo điều 19 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP  thì hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học có thể bị xử phạt từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ.

Theo Luật sư Sao Việt, cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện toàn bộ sự việc; bởi nếu hành vi của cô T đủ để cấu thành tội phạm thì việc xác định tội danh nào là đúng. Hành vi của cô T có thể bị cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự  hay Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật hình sự.

Sự khác biệt giữa Tội hành hạ người khácTội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trường hợp này nằm ở chính hành vi khách quan của người phạm tội. Hành vi khách quan của người phạm tội Hành hạ người khác là việc người phạm tội đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình (dùng bạo lực, hoặc tra tấn về mặt tinh thần), hành vi này được thực hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại và không gây ra thiệt hại về sức khỏe đủ để cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại tới sức khỏe của người khác tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Do đó, trong trường hợp này, Luật sư Sao Việt cho rằng cần giám định tỷ lệ thương tật để xác định trách nhiệm hình sự của cô giáo T về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác. Theo đó, nếu thương tích của N với tỷ lệ thương tổn lớn hơn 0% cũng đủ để cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại tới sức khỏe của người khác với tình tiết định khung tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (tình tiết bị hại là người dưới 16 tuổi). Như vậy, cần có kết luận giám định thương tích đối với học sinh N để làm cơ sở khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, nếu kết quả thương tích của học sinh N cao nhất là bằng hoặc dưới 30% thì việc khởi tố hay không sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại (căn cứ khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các trưởng hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi). Trong trường hợp cha, mẹ (người đại diện hợp pháp của cháu N) không yêu cầu khởi tố thì theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 thì cơ quan pháp luật không thể ra quyết định khởi tố đối với hành vi của cô T mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP.

- Luật Sao Việt -

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer