Tóm tắt
Tin giả thời đại nào cũng có, từ những “câu chuyện hư cấu” truyền miệng từ thời xa xưa, đến những tin giật gân trên mạng xã hội hiện đại. Cuộc sống càng tiến bộ, công nghệ thông tin càng phát triển thì tin giả càng được lan truyền đi xa và hậu quả của nó cũng ngày càng lớn. Đặc biệt từ khi dịch bệnh Covid 19 bắt đầu bùng phát, những thông tin về dịch bệnh bỗng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin giả phát triển, bất chấp những quy định xử phạt ngày càng gắt gao từ phía chính quyền. Vậy giải pháp nào để dập tắt vấn nạn tin giả đang tràn lan trên các mạng xã hội hiện nay? Đây là vấn đề không chỉ Việt NAM mà nhiều quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt.
Từ khóa: tin giả, tin sai sự thật, dịch bệnh covid 19, tác hại của tin giả
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
1. Thế nào là tin giả? Mức độ ảnh hưởng của tin giả như thế nào?
Tin giả là những tin không đúng sự thật, được phát tán dưới vỏ bọc chính thức, có thể cố ý hoặc không cố ý được lan truyền từ người này qua người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông.
Nhiều người cho rằng tin giả trên mạng xã hội chỉ ảnh hưởng nhỏ đến một bộ phận người dùng mạng xã hội và không gây nguy hại, nhưng thực tế cho thấy mức độ ảnh hưởng của tin giả lớn tới mức không thể lường được. Từ những tin tức « bịa đặt » về dịch bệnh Covid như : ăn trứng gà luộc để chữa bệnh Covid, bác sỹ rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ song sinh, Hà Nội cấm người dân ra đường sau 6h tối,… khiến dư luận hoang mang; những tin tức giả thậm chí còn gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, dẫn đến căng thẳng chính trị và là nguyên nhân của một số thảm kịch chết người ở nhiều nơi trên thế giới.
Một trong những vụ gây thiệt hại khủng khiếp là bản tin giả được đăng trên mạng xã hội Twitter của hãng tin AP hồi tháng 4/2013. “Hai vụ nổ xảy ra ở Nhà Trắng và Tổng thống Barack Obama bị thương”, dòng chữ vỏn vẹn này ngay lập tức lan truyền chóng mặt và khiến Phố Wall mất khoảng 200 tỷ USD chỉ trong 3 phút.1
Tại Malaysia năm 2016, ba cuộc biểu tình lớn nổ ra khiến 1 người thiệt mạng và 250 người bị thương chỉ vì một đoạn video tranh cử đã bị chỉnh sửa của Thống đốc Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama được đưa lên mạng xã hội Facebook dẫn đến việc những người Hồi giáo bảo thủ cho rằng quan chức này phỉ báng kinh Koran. Cảnh sát Indonesia sau đó đã bắt được thủ phạm và anh ta khai mục đích chỉ để giải trí chứ không lường được tác động khủng khiếp của thông tin mình tung ra.
Tin giả thường tồn tại và lan truyền mạnh mẽ nhất trên các mạng xã hội bởi những người dùng ẩn sau bàn phím, nhưng nguy hiểm hơn cả, tin giả còn tồn tại trên cả các trang báo chính thống. Không khó để bắt gặp một mẩu tin giả gây chú ý trên mạng xã hội sau đó được một trang báo chính thống viết lại như một câu chuyện có thật mà không cần trải qua bất kỳ quá trình kiểm chứng thông tin nào cả. Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid 19 bắt đầu lan ra khắp thế giới, từ một tài khoản facebook người Thái Lan đưa ra thông tin người Việt giết mèo đen ăn thịt để chữa Covid 19, nhiều báo chí của Anh và Mỹ cũng đã đưa tin lại, từ đó gây nên cái nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm đối với Việt Nam và công tác phòng, chống dịch bệnh của nước ta. Tin giả trên báo chí nguy hiểm hơn nhiều so với tin giả trên mạng xã hội do tầm phủ sóng và “mức độ tin cậy” đối với người dân cao hơn, do đó những ảnh hưởng tiêu cực cũng sẽ lớn hơn.
2. Những biện pháp đối phó tin giả của Việt Nam
* Xây dựng hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh, xử lý tin giả trên môi trường không gian mạng
Những nhà làm luật của Việt Nam đã xây dựng gần như đầy đủ các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh vấn đề bịa đặt và phát tán tin sai sự thật.
Đối với các doanh nghiệp quản lý mạng xã hội: Ở Việt Nam, Luật an ninh mạng 2018 đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý mạng xã hội tại khoản 2 Điều 26. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm phải xác thực và bảo mật thông tin người dùng; phải cung cấp thông tin người dùng, ngăn chặn việc chia sẻ và xoá bỏ thông tin có nội dung vi phạm chậm nhất 24h kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan Nhà nước; phải cung cấp dữ liệu khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Đồng thời Luật cũng yêu cầu các Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp mạng xã hội phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu đã thu thập từ người dùng trong nước ở Việt Nam.
Tuy nhiên những quy định này hiện chỉ dừng lại ở mức độ giải quyết những vấn đề đã xảy ra và chỉ nhằm yêu cầu sự phối hợp từ đơn vị quản lý các nền tảng mạng xã hội khi cần xử lý những tin tức giả đã được đưa ra công chúng chứ chưa thể triệt để giải quyết nguồn gốc của tin giả. Các nền tảng mạng xã hội hiện nay chưa bị ràng buộc trách nhiệm kiểm duyệt và cảnh báo thông tin giả mạo, dẫn đến hoạt động ngăn chặn tin giả không mang lại hiệu quả rõ rệt, thậm chí chỉ mang tính đối phó bởi tin giả trên mạng xã hội vẫn xuất hiện tràn lan và nhiều trường hợp không được gỡ bỏ dù đã được người dùng “báo cáo”.
Đối với mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội: Mặc dù còn nhiều nghi ngại về vấn đề vi phạm quyền tự do ngôn luận trong cuộc chiến ngăn chặn tin giả, nhưng đối mặt với những tác động khủng khiếp mà nó mang lại, ngày nay các quốc gia trên thế giới buộc phải đưa ra các quy định nghiêm khắc về việc phòng, chống tin giả. Tại Việt Nam, hành vi bịa đặt, lan truyền tin giả là hành vi bị cấm theo Luật an ninh mạng 2018, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nhẹ thì bị phạt hành chính từ 5 triệu đồng trở lên (đối với cá nhân), nặng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ngoài ra, căn cứ vào mức độ vi phạm và mục đích của việc bịa đặt, lan truyền tin giả, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh như sau:
- Tội vu khống
Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định về tội vu khống như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…."
- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”
Ví dụ: Vụ việc “Bác sỹ Khoa” - một tài khoản facebook tự xưng là bác sỹ Khoa đăng câu chuyện phải rút ống thở của mẹ mình để nhường cho một sản phụ sinh đôi, câu chuyện nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người trên mạng xã hội và sau đó một nhóm tài khoản đã đứng lên nhận từ thiện ủng hộ cho bác sỹ Khoa. Câu chuyện sau này đã được xác minh là giả mạo, hoàn toàn không có sự việc như vậy xảy ra. Việc tung tin đồn giả mạo này nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt và chiếm đoạt tiền quyên góp của những người hảo tâm thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu những tin tức giả mạo, sai sự thật nhằm mục đích kích động người dân, chống phá chính quyền thì những người bịa đặt và lan truyền sẽ phải đối mặt với các tội danh Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự, hoặc Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.
* Tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm:
Ở Việt Nam, từ khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát thì cuộc chiến chống tin giả lại càng diễn ra quyết liệt. Bên cạnh việc ban hành những văn bản pháp luật quy định mức phạt đối với các hành vi tung tin giả về dịch bệnh gây hoang mang cho cộng đồng, chính quyền cũng rất mạnh tay xử phạt những trường hợp vi phạm. Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi dịch xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan, trong đó rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, kích động về tình hình dịch bệnh.2
Từ năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đã phối hợp với công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật. 3
Những biện pháp mạnh tay của chính quyền ít nhiều đã có tác dụng răn đe đối với các cá nhân thích tung tin câu like, nhưng lại không có tác dụng với các đối tượng thù địch chống phá chế độ bởi vì chúng sẽ không ngại bị xử phạt để thực hiện mục đích của mình.
* Thành lập trung tâm xử lý tin giả để nâng cao hiểu biết cho người dân:
Đầu năm 2021, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử quyết định thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) với tầm nhìn trở thành một Trung tâm xử lý tin giả mang tính quốc gia. Trung tâm sẽ phối hợp cơ quan chức năng thẩm định, công bố tin giả; đánh giá xu hướng thông tin chia sẻ, tương tác lớn để dán nhãn cảnh báo tin giả; tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác thực; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Bước đầu có thể thấy các hoạt động công bố, xử lý tin giả của Trung tâm rất nhanh chóng và hiệu quả, tuy nhiên chưa thu hút được nhiều sự chú ý của người dân.
3. Đề xuất phương án đối phó với nạn “tin giả”
- Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý
Chính quyền có vai trò cầm cương trong cuộc chiến chống tin giả. Trên thế giới, chính phủ nhiều nước đã đưa ra các đạo luật nhằm chống lại những thông tin sai sự thật và lập nên nhiều đơn vị chuyên xử lý tin giả. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, khi liên tục bổ sung quy định của pháp luật nhằm phòng, chống tin giả song song với việc tuyên truyền và xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên như đã phân tích nêu trên, việc giám sát và xử lý không có tính răn đe đối với những đối tượng có tư tưởng phản động, bịa đặt thông tin nhằm mục đích chống phá chính quyền.
Hơn nữa, tin giả xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống đòi hỏi người tiến hành trình xác minh thông tin phải có một sự hiểu biết nhất định. Nếu xây dựng một đơn vị chuyên môn xử lý tin giả dùng nhân lực là con người để rà soát và đưa ra cảnh báo thì không thể hiệu quả và kịp thời do sự hiểu biết đối với các lĩnh vực sẽ có giới hạn, quá trình xác minh mất nhiều thời gian. Do đó, cần nghiên cứu đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào quy trình sàng lọc thông tin bên cạnh việc xây dựng một kênh thông tin có sự phối hợp giữa tất cả các cấp trong tất cả các lĩnh vực. Khi AI chưa được áp dụng một cách tự động thì mỗi ban ngành phải có bộ phận chuyên xử lý và xác minh thông tin để nhanh chóng ngăn chặn tin giả phát sinh trong địa bàn hoặc lĩnh vực mà mình quản lý.
- Trách nhiệm của cơ quan truyền thông chính thống
Báo chí chính thống chính là “vũ khí” mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống tin giả. Nếu báo chí chính thống thực hiện tốt vai trò đưa tin trung thực, nhanh chóng, hấp dẫn và chủ động thì tin giả sẽ tự khắc bị tiêu diệt bởi khi đó, người dân sẽ chỉ tiếp nhận và tin vào thông tin từ báo chí chính thống.
Ngoài ra, báo chí cũng là công cụ đắc lực nhằm vạch trần những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Khi báo chí chính thống lên tiếng phủ nhận, bóc trần những tin giả đang lan truyền trên mạng xã hội và trong cộng đồng thì người dân sẽ yên tâm hơn, và họ cũng sẽ lựa chọn nguồn thông tin đáng tin cậy hơn để tham khảo sau này. Đây cũng là một cách để marketing hiệu quả, bền vững và đúng đắn cho các trang báo chính thống, thay vì đi theo con đường “giật tít”, “câu view” gây hiểu nhầm cho độc giả mà các đơn vị truyền thông “bẩn” đã và đang sử dụng.
- Bổ sung nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội
Đóng vai trò là một công cụ phát tán tin giả vô cùng nhanh chóng, mạnh mẽ và không biên giới, các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Tik Tok, Instagram hay Twitter chính là những mắt xích quan trọng trong công cuộc đối phó với nạn tin giả. Tuy nhiên, những quy định hiện nay của pháp luật chủ yếu chỉ nhằm xử lý những trường hợp vi phạm đã xảy ra chứ không thể ngăn chặn hành vi sai phạm ngay từ đầu.
Do đó, tôi đề xuất bổ sung quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ trực tuyến cần phải có trách nhiệm xây dựng bộ sàng lọc thông tin, gắn cảnh báo người dùng về thông tin giả mạo hoặc chưa được xác thực. Việc làm này không phải là khó khăn khi công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đang rất phát triển và rất nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng AI để sàng lọc và ngăn chặn tin giả. Tại Anh, công ty Logical đã sử dụng AI để chống lại tin tức giả mạo, AI giúp phân loại những nội dung được nhận định là tin giả hoặc tin sai lệch trước khi người dùng có thể đọc được.
- Trách nhiệm của từng cá nhân
Đối với mỗi người dân, cần có trách nhiệm với việc truyền tải thông tin tới bất cứ ai. Tuyệt đối không chia sẻ những thông tin “chưa xác thực”, “nghe lại từ người khác”,… để tránh vướng phải những rắc rối pháp lý không cần thiết.
Khi tiếp cận một nguồn thông tin nào đó, cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Công an và hướng dẫn của trung tâm xử lý tin giả: Trước hết người dân cần bĩnh tĩnh, cẩn trọng, xem xét kĩ lưỡng tính xác thực của thông tin dựa theo các tiêu chí như tác giả bài viết, tên miền của trang mạng đăng tải là chính thống hay giả mạo,…. Thông thường các trang giả mạo đa số có tên miền đuôi là “.org”, “.com”, “.net” và không có thông tin địa chỉ, đăng ký rõ ràng. Các trang chính thức của cơ quan tổ chức thường có dấu tích xanh bản quyền (đối với các mạng xã hội) và có tên miền quốc gia “.vn”.
Người dân cũng nên tiếp cận thông tin tại các luồng chính thống, và cần tự trang bị cho mình các kiến thức về xã hội, pháp luật để nâng cao vốn hiểu biết, kỹ năng sống của bản thân. Khi dân trí nâng cao và người dân có trách nhiệm với việc chia sẻ thông tin của mình thì tin giả không thể tồn tại và sẽ bị tiêu diệt.
“Tự do ngôn luận” không đồng nghĩa với việc được phép bịa đặt, xuyên tạc và phát tán thông tin sai sự thật dưới bất kỳ hình thức hoặc bất kỳ lý do nào. Mỗi cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Nhà nước nhằm đẩy lùi và loại bỏ hoàn toàn tin giả, tin sai sự thật khỏi đời sống. Đây cũng là một cách chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến dập dịch Covid đang diễn ra trên khắp cả nước.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com