Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 4/5/2006 vừa qua, những người tham dự không khỏi nghi vấn khi các bị cáo một mực kêu oan và khẳng định không hề quen biết các đồng phạm tham gia vụ cướp. Thậm chí, họ còn không biết sự thể vụ cướp như thế nào. Thế nhưng, họ buộc phải nhận tội vì không thể chịu nổi sự ép cung, đánh đập hết sức dã man: Kẹp bút vào tay để siết; trói tay sau lưng và treo ngược lên trần nhà; dùng dùi cui đánh vào chỗ kín và toàn thân trong suốt nhiều giờ…
Lật lại hồ sơ vụ án:
Theo cáo trạng, vào lúc 0h30’ ngày 16/8/2004, chị Nguyễn Nguyệt Ánh (trú tại 22 Hàng Than – Hà Nội) chở chị Phạm Thu Hà (trú tại 11B Hàm Long) đi xe Dylan BKS: 29P2 - 2662. Khi cả hai đi đến phố Hàm Long thì bị hai tên cướp (che mặt) đi một xe máy dùng súng khống chế cướp xe. Do có người đi tới nên bọn cướp không lấy được xe, chỉ cướp được điện thoại Siemens M55.
Tiếp đó, vào lúc 2h30’ cùng ngày, chị Hoàng Thị Thanh Dung trú tại 14 Cửa Bắc đi xe Dylan BKS: 29P3-7993 chở chị Ninh Thị Dung trú tại 14 ngõ Bạch Đằng và chị Chu Thị Bích Giang trú tại 22 ngõ 2 Tây Sơn đi xe Dylan BKS: 29T4 – 1999 khi cả ba rẽ vào ngõ 30 Lý Nam Đế thì bị hai tên cướp đi một xe máy áp sát, tên ngồi sau nhảy xuống rút súng đánh vào đầu chị Dung và cướp xe.
Sau khi xảy ra vụ cướp, CQĐT TP.Hà Nội lần lượt bắt các đối tượng liên quan là: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Hoàn, Lê Văn Nhân, Bùi Xuân Cường và Nguyễn Đức Thọ. Phương tiện gây án của bọn chúng là khẩu súng và chiếc xe máy (không thu được). Điều đáng nói là ngay khi bị bắt, Nguyễn Đức Thọ một mực kêu oan và nói không hề hay biết gì về vụ cướp trên. Vậy căn cứ vào đâu để các Cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội Nguyễn Đức Thọ và đồng bọn tham gia hai vụ cướp trên?.
Tại CQĐT, Hoàn, Nhân, Cường khai nhận có tham gia vụ cướp và Thọ là người không trực tiếp tham gia mà chỉ cho mượn súng và “xui” chúng đi cướp. Tuy nhiên, tại giai đoạn điều tra bổ sung cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo phủ nhận việc tham gia hai vụ cướp trên và tố cáo CQĐT đã dùng nhục hình để ép họ phải nhận tội. Để củng cố thêm bằng chứng buộc tội Nguyễn Đức Thọ và để khắc phục một phần việc không thu giữ được phương tiện phạm tội. CQĐT lại sử dụng lời khai của Nguyễn Quang Nguyên (bị bắt trong một vụ án khác) để xác minh rằng khẩu súng K54 mà Thọ cho Hoàn, Nhân mượn để gây ra vụ cướp cũng chính là khẩu súng mà sau này Thọ cho Nguyên mượn để gây ra vụ án khác.Tuy nhiên, ngay từ khi mới bị bắt, Nguyên khai khẩu súng này là mua của Hoa “hoét”, sau này là mượn của Thọ và cuối cùng là mua của một đối tượng tên Minh. Tại biên bản đối chất giữa Nguyên – Thọ và tại phiên tòa, Nguyên đều khẳng định không mượn súng của Thọ, việc trước đây khai báo cho Thọ mượn là do bị ép cung. Như vậy, Nguyên có nhiều lời khai khác nhau về nguồn gốc của khẩu súng, trong đó, lời khai ban đầu của Nguyên là mua súng của Hoa “hoét” là có cơ sở nhất vì trước khi bị bắt, Nguyên đã từng nói với Trịnh Minh Quý (cùng là bị can trong vụ án khác) về điều này. Nhưng không hiểu tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng lại bỏ qua tất cả các tình tiết đó mà lại sử dụng lời khai là “mượn của Thọ”. Và, để củng cố cho “quan điểm” này, CQĐT đã cho các bị can Hoàn, Nhân nhân dạng khẩu súng. Cơ sở để CQĐT nhận định khẩu súng dùng trong hai vụ án là một vì đều là khẩu súng K54. Việc bắt Nguyễn Đức Thọ dựa trên những chứng cứ gián tiếp (lời khai của các bị cáo) sẽ là hợp lý nếu Nguyễn Đức Thọ nhận tội và điểm mấu chốt đặc biệt quan trọng là những lời khai này phải phù hợp với nhau và phù hợp với các tình tiết khách quan khác của vụ án.
Liệu đã đúng người đúng tội hay chưa?
Trong vụ án này, bản thân Nguyễn Đức Thọ một mực kêu oan còn Phạm Anh Tuấn là người trực tiếp mang chiếc xe Dylan BKS: 29P3 – 7993 đi đặt và đưa điện thoại Simens M55 cho em vợ dùng cũng lại kêu oan. Tuấn khai không biết gì về vụ cướp và không quen biết Hoàn, Nhân, Cường cũng như Thọ; tài sản mà Tuấn có được là do mua và nhận cầm cố của những đối tượng khác. Còn phía Hoàn, Nhân và Cường thì sao? Ngay cả khi “thành khẩn” nhất thì chúng cũng khai rất mâu thuẫn về vụ cướp như thời gian đi cướp, đối tượng cướp, số người tham gia, địa điểm gặp nhau, hành vi cướp, địa điểm đặt xe, người đặt xe… Thậm chí, Bùi Xuân Cường còn có lời khai là lên phố Lý Nam Đế cướp xe của nam thanh niên đi xe Dylan, Thọ và Tuấn rút ra hai khẩu súng và cướp được xe; Lê Văn Nhân ngược lại có lời khai khác là cướp xe của người con gái tên Giang … Điều đáng lưu ý, bản chất của tội phạm là chối tội và đổ tội cho nhau nhưng trong vụ án này các bị cáo lại thành khẩn nhận tội. Tuy nhiên, vấn đề cần nói ở đây là sự thành khẩn của họ lại rất mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế khách quan và các tình tiết khác của vụ án. Lý giải cho sự mâu thuẫn này, nhiều người tham dự phiên tòa đặt câu hỏi rằng: Liệu các bị cáo có phải là các đối tượng cướp xe thực sự hay không? Và việc họ khai theo kiểu “tiền hậu bất nhất” là kết quả của việc bị dùng nhục hình để ép cung? Nếu điều này là thật thì có khác nào người hiền gặp nạn còn kẻ cướp đã cao chạy xa bay?
Tìm hiểu kỹ vụ án, rất dễ nhận thấy trong lời khai của các bị cáo có nhiều chi tiết không đúng với thực tế. Cụ thể, tại CQĐT, Hoàn, Nhân đã khai vào hồi 21h ngày 15/8/2004 đến nhà Thọ tại số 237 – tổ 10 phường Thanh Nhàn (ngôi nhà này Thọ đã thuê trong thời gian xây nhà mới) để nhận súng. Nhưng trên thực tế, vào ngày 27/7/2004 Thọ và gia đình đã chuyển về ngôi nhà mới tại số 305 B tổ 57 phường Thanh Nhàn và đã trả ngôi nhà thuê cho chủ nhà (việc này có xác nhận của chủ nhà cho thuê, tổ trưởng dân phố và của UBND phường). Đây có thể coi là bằng chứng ngoại phạm quan trọng đối với Nguyễn Đức Thọ. Tuy nhiên, tại phiên tòa, khi luật sư đưa ra bằng chứng này thì vị đại diện Viện kiểm sát đã “miễn bình luận” và Hội đồng xét xử cũng không “đếm xỉa” tới.
Theo dõi phiên tòa, nhiều người tỏ ra nghi vẫn tính chính xác của vụ án khi CQĐT không thu được phương tiện phạm tội là: 2 xe máy (1 xe Best, 1 xe Dream) mà bọn cướp đã sử dụng và khẩu súng thì được “gán” cho một vụ án khác với lý do là đều là súng K54. Bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không xác định được mối quan hệ giữa người phạm tội, hành vi của người phạm tội, phương tiện phạm tội, tài sản do phạm tội mà có. Thế nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã “vội vàng” buộc tội các bị cáo, đặc biệt là đối với Nguyễn Đức Thọ. Nếu chỉ thông qua các lời khai không có cơ sở như trên mà đã nhanh chóng buộc tội thì liệu đã thật sự khách quan chưa?
Cần phải nói thêm rằng, gần đây, hàng loạt vụ án oan sai đã gây ra bao đau thương mất mát cho người dân lương thiện. Điển hình là “Vụ án Vườn điều” tại Bình Thuận. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng oan sai đều do điều tra viên dùng nhục hình ép cung và xét xử thiếu khách quan. Công luận theo dõi vụ án “cướp xe” này thực sự bức xúc và đặt ra nhiều nghi vấn. Bởi, xử đúng người đúng tội thì không có gì phải bàn cãi nhưng nếu vì bất cứ lý do nào đó mà tạo nên án oan thì hậu quả thực khó lường. Nếu các bị cáo kể trên thực sự là những tên cướp với tang chứng, vật chứng rõ ràng thì kết tội cho họ đều là hợp tình, hợp lý. Và chắc chắn họ cũng sẽ tâm phục khẩu phục. Nhưng khi chưa đủ mọi chứng cứ và còn nhiều tình tiết chưa rõ ràng mà đã vội vàng tuyên án thì liệu có thật sự khách quan chưa? Dư luận luôn mong muốn CQĐT cũng như các cơ quan tố tụng với lương tâm, trách nhiệm của người mang cán công lý, cần tìm hiểu, cặn kẽ, cẩn thận trước khi kết luận để đừng bao giờ tái diễn những “Vụ án Vườn điều” đán tiếc trong tương lai.