Tôi thấy hiện nay có nhiều trường hợp con cái ngược đãi thậm chí đánh đập cha mẹ và nhiều trường hợp bố, mẹ bạo hành con cái. Như trường hợp gần đây ở Nghệ An, anh Nguyễn Văn Tới ngược đãi bố đẻ nhiều năm liền, lần đánh gần đây khiến bố đẻ ông Tới bị gãy 1 xương sườn, mẻ xương ống, người bầm tím. Hay trường hợp của cháu K (10 tuổi ở Hà Nội) bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành phải trốn về nhà ông bà nội với thương tích khắp cơ thể.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi, những trường hợp bạo hành đối với ông, bà, bố, mẹ, con cái thì bị xử lý như thế nào? Và cụ thể trong 2 trường hợp nêu trên?

 

Trả lời:

Chào bạn, Tổ Hình sự Luật Sao Việt đã nhận được câu hỏi của bạn. Theo như thông tin báo chí đã đưa tin về sự việc chúng tôi có ý kiến như sau với câu hỏi của bạn:

* Quy định của pháp luật đối với hành vi ngược đãi, hành hạ người thân:

Trước hết, hành vi ngược đãi, hành hạ được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần. (theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC)

Đối với những hành vi ngược đãi, hành hạ đối với ông, bà, bố mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình mà gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151 Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 1999 với khung hình phạt: phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 03 năm.

Cũng theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC nêu trên thì:
“Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS). 

Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc Điều 93 BLHS về tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 100 BLHS.”

* Áp dụng những quy định đã trích dẫn nêu trên, đối với hai trường hợp mà bạn đang thắc mắc thì sẽ xử lý như sau:

- Đối với hành vi ngược đãi bố đẻ của anh Nguyễn Văn Tới khiến ông N (bố đẻ của Tới) bị thương tật với tỷ lệ 6% (theo kết luận của Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An) đã có dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác  tại điểm đ khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 với khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tuy nhiên vì thuộc trường hợp phạm tội tại khoản 1 Điều 104 BLHS nên theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại.

- Đối với hành vi bạo hành với cháu K, với những thông tin báo chí đã đăng tải, theo chúng tôi, tùy thuộc kết luận giám định thương tật đối với cháu và kết quả điều tra, bố ruột, mẹ kế của cháu K có thể bị khởi tố đối về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999. Cũng tương tự như trường hợp trên, nếu thuộc trường hợp phạm tội tại khoản 1 Điều 104 BLHS thì chỉ khởi tố vụ án nếu có đơn yêu cầu của người đại diện hợp pháp của cháu K. Trường hợp không đủ yếu tố để cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì bố đẻ, mẹ kế của cháu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, cợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151 BLHS. 


Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer