Vừa qua, nhiều khách hàng gửi thắc mắc đến Luật Sao Việt về quan điểm đối với vụ án dâm ô trẻ em của ông Nguyễn Hữu Linh. Trả lời những thắc mắc của khách hàng và sự quan tâm của dư luận, Luật sư Nguyễn Quang Anh - Công ty Luật TNHH Sao Việt đã có bài viết nhận xét trên phương diện pháp lý đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam

Hình ảnh ông Linh cưỡng hôn bé gái được Camera tòa nhà ghi lại.

Ngày 23/8/2019, vụ án ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án 1 năm 6 tháng tù đối với ông Nguyễn Hữu Linh. Bản án đã làm “yên lòng” cộng đồng khi mà chuẩn mực đạo đức xã hội đang trên đà trượt dốc. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, phân tích từ góc độ pháp lý thì tội danh của ông Linh cần xem xét lại một cách thấu đáo.

Theo hồ sơ vụ án thì: Các kết luận giám định vẫn không xác định ông Linh có dùng tay trái sờ, bóp hay chạm vào phần trước cơ thể của bị hại hay không? Bản thân ông Linh cũng đã có lời khai rõ ràng rằng chỉ hôn lên má của bị hại. Lời khai của bị hại và cha mẹ của bị hại cũng đã khẳng định, ông Linh chỉ hôn lên má bé gái chứ không có chạm vào những bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể bị hại.

Trong vụ việc này, hành vi “ôm, hôn lên má” cháu bé của ông Linh có ảnh hưởng tiêu cực đến cháu bé, tuy nhiên ảnh hưởng đến mức độ nào là vấn đề cần xem xét.

Điều mà dư luận trực tiếp nhận thấy trong vụ việc này là bé gái rất hoảng sợ khi bỏ chạy khỏi thang máy. Nhưng, cha bị hại khai: “Tôi nhận thấy vụ việc xảy ra chưa gây hậu quả gì, con tôi cũng không bị tổn hại gì, tôi từ đầu đến giờ yêu cầu không xử lý hình sự, hành chính gì đối với ông Linh, hay bồi thường thiệt hại gì cả”. Tuy nhiên, sự phẫn nộ của dư luận đối với hành vi sai trái của ông Linh đã đẩy vấn đề đi quá xa khỏi bản chất thực sự của nó.

Xem xét hành vi của ông Linh dưới góc độ xã hội, khách quan mà nói thì hành vi của ông Linh đối với bé gái là vi phạm những chuẩn mực xã hội cơ bản nhất. Như nhận định của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về vụ án này: “Một người có am hiểu về luật pháp, lại từng giữ cương vị lãnh đạo của cơ quan bảo vệ pháp luật, hơn ai hết, ông Linh phải ý thức được hành vi của mình có trái đạo lý không, có trái pháp luật không?...".

Trước hết là việc ông Linh ôm hôn khiến bé hoảng sợ, sau là việc ông nói dối để che đậy thân phận thực sự; tất cả những hành vi trên đều đáng bị lên án. Tuy nhiên, pháp luật được xây dựng dựa trên chuẩn mực cụ thể và phải theo logic pháp lý.

Hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh là sai, nhưng cái sai đó đến đâu thì cần phải xem xét.

Trong cuộc sống, tính chất, mức độ vi phạm của hành vi con người sẽ được chia làm những mức như sau: Vi phạm lối sống, vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật. Trong đó, vi phạm pháp luật cũng sẽ chia thành mức độ vi phạm hành chính, vi phạm dân sự và vi phạm hình sự.

Theo như nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng và ý kiến của phần lớn dư luận thì hành vi của ông Linh vi phạm pháp luật hình sự, cụ thể là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Chúng ta đều nhận thấy hành vi ôm, hôn vào má bé gái của ông Linh mặc dù rất thô lỗ và vi phạm chuẩn mực xã hội, nhưng bảo đó là “hành vi dâm ô” để xử lý hình sự thì tôi thấy thực sự gượng ép và có phần nghiêm trọng hóa vấn đề.

Có một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh khi nhận định về vụ việc này từng lập luận: “Các hành vi này của ông Linh đều làm thỏa mãn tình dục của ông ta”.

Như trên đã nói, hành vi của ông Linh là sai trái nhưng chưa đủ điều kiện để được gọi là hành vi dâm ô; và với hành vi như thế nhưng lại suy đoán là để thỏa mãn tình dục hay còn gọi là “suy nghĩ dâm ô” để buộc trách nhiệm hình sự đối với ông Linh không những thiếu căn cứ (chỉ là suy đoán) mà còn trái pháp luật, vì điều luật chỉ áp dụng với “hành vi dâm ô” (tức là chỉ xem xét đến tính chất và mức độ hành vi thực tế của ông Linh dẫn đến gây tổn hại hoặc khả năng gây tổn hại đến cháu bé ở mức độ nào) chứ không áp dụng với “suy nghĩ dâm ô” (tức là không xem xét đến suy nghĩ của ông Linh).

Thực tế có những người chỉ cần nhìn, nắm tay hoặc cầm được bộ đồ lót của cháu bé… cũng tưởng tượng ra “mọi thứ” và cũng đã thỏa mãn tình dục thì chẳng lẽ đều truy tố họ tội “dâm ô” (?).

Hầu hết chúng ta đều “dị ứng” trước hành vi “sàm sỡ” với phụ nữ nói chung và đặc biệt với các bé gái nói riêng, nhưng không vì thế mà chúng ta “hình sự hóa” mọi sai phạm của đời sống xã hội.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, thì dưới cả góc độ xã hội và góc độ của luật pháp, hành vi của ông Linh là sai phạm và đáng lên án nhưng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự. Giả sử chúng ta vẫn thấy hành vi đó cần phải xử lý hình sự thì buộc chúng ta phải sửa đổi điều luật thành “Tội sàm sỡ đối với người dưới 16 tuổi”.

Từ vụ án Nguyễn Hữu Linh đến những vụ án được đưa lên mạng xã hội gần đây chúng ta cần rút ra những bài học như sau:

Về phía mỗi gia đình cần có biện pháp bảo vệ trẻ em. Đặc biệt các phụ huynh cần trang bị cho con em mình kiến thức tự bảo vệ bản thân, nhắc nhở các bé không đi vào không gian kín một mình hoặc với người lạ.

Về phía đơn vị chủ quản các tòa nhà/các nơi công cộng cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ an ninh tại khu vực mà mình phụ trách. Trong tình huống của ông Linh, nếu gắn gương ở mặt trước thang máy hoặc camera được gắn ở các góc khác nhau thì có thể sự việc đã đi theo chiều hướng khác và có thể sẽ chẳng một ai dám thực hiện hành vi khiếm nhã trong thang máy.

Về phía dư luận xã hội, chúng ta cần tố giác và lên án những hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận vụ việc một cách khách quan và công bằng. Trên tinh thần “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, không vì ai đó là “quan” mà ta “lờ” đi không truy cứu trách nhiệm của họ, nhưng cũng không vì họ là “quan” mà ta quy chụp hoặc/và thổi phồng vấn đề lên.

Thậm chí có một vị đại biểu Quốc hội từng nhận xét về nhân thân ông Linh trong vụ án này như sau: “Ông Linh đã từng ký quyết định khởi tố, truy tố oan cho một số doanh nhân ở Đà Nẵng có liên quan đến Vũ “nhôm” khiến cho họ thân bại, danh liệt. Nhưng đến nay, ông Linh không bị quy kết trách nhiệm vụ này”.

Theo tôi, không nên đưa những sai phạm khác của ông Linh (nếu có) vào vụ án này, làm như vậy không khác gì chúng ta đang tận dụng dư luận và pháp luật để trả thù những sai phạm khác (nếu có) của ông Linh.

Trên thực tế, giả sử ông Linh có những sai phạm đó thì chúng ta cần điều tra làm rõ và buộc ông Linh phải chịu trách nhiệm về những sai phạm đó.

Về phía các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi áp lực từ dư luận. Chính sự phẫn nộ của đám đông đã khiến cơ quan tiến hành tố tụng chạy theo xu hướng làm hài lòng người dân. Mặt tích cực là đã sớm đưa ra ánh sáng những hành vi trái pháp luật, nhưng mặt tiêu cực của nó là đôi khi giải quyết sự việc không đúng pháp luật.

Do đó, để bảo đảm tính dân chủ trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền thì cơ quan tiến hành tố tụng cần thực sự vững vàng trước dư luận. Thay vì “xuôi” theo áp lực dư luận thì cơ quan tiến hành tố tụng nên phân tích cụ thể và tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn về pháp luật. Bởi một khi “ép” mình để xoa dịu dư luận nhất thời, hậu quả để lại về sau sẽ vô cùng lớn.

Về phía những nhà làm luật, theo nhận định của hầu hết người dân hiện nay thì hành vi khiếm nhã như ôm hôn, đụng chạm cơ thể phụ nữ và trẻ em thường khó bị phát hiện, thậm chí có bị phát hiện thì cũng không xử lý được nếu như luật vẫn quy định mù mờ như hiện nay.

Do đó, để xử phạt thật nghiêm và răn đe những trường hợp này cần sớm thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự để cụ thể hóa những hành vi phạm tội, tránh trường hợp áp dụng pháp luật tùy tiện dẫn đến sự phẫn nộ của quần chúng nhân dân.

Riêng việc cụ thể hóa hành vi phạm tội dâm ô trẻ em trong dự thảo cũng cần phải được cân nhắc kỹ càng, bởi nếu theo quy định mới thì hành vi hôn vào mặt trẻ em cũng có thể là hành vi dâm ô; trong khi cái hôn vào trán khác cái hôn vào môi, nụ hôn thể hiện sự trân trọng, cưng chiều khác nụ hôn mang tính chất dục vọng.

Ngoài ra, nhà làm luật nên bổ sung các hình thức xử phạt khác như bắt buộc công khai xin lỗi, người phạm tội bị áp dụng biện pháp cách ly, cấm tiếp xúc và lui tới những khu vực có trẻ em… Đồng thời, với những trường hợp phạm tội vì ham muốn thỏa mãn nhục dục khác thường có khả năng cao do mắc các chứng bệnh về tâm thần nên cần giám định và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nếu cần thiết.

- LS Quang Anh -

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer