Đêm 21/5/2008, anh Nguyễn Thạc Thảo (trú tại thôn Long Vỹ - xã Đình Bảng - Thị xã Từ Sơn-Bắc Ninh) điều khiển xe ô tô Huyndai đi từ xã Ninh Hiệp, Gia Lâm về Từ Sơn. Khi xe đi đến ngã 3 đường rẽ lên thôn Trầm, Đình Bảng, anh Thảo gặp Nguyễn Phụ Huy (trú tại Bà Là - Đình Bảng) và Ngô Minh Sơn (trú tại Long Vỹ - Đình Bảng) và đã bị hai người này đánh dẫn đến thương tích nặng, mất 40% sức khỏe, tài sản trên xe bị mất, chiếc xe bị hư hại nặng.

Nguyễn Phụ Huy được đưa ra khỏi vòng tố tụng; Ngô Minh Sơn bị tòa sơ thẩm TAND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh tuyên phạt 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Vụ án đặt ra rất nhiều nghi vấn ngay từ khâu điều tra.

Cơ quan điều tra bỏ sót chứng cứ ?

Theo Quyết định phân công điều tra số 115 của CQĐT thị xã Từ Sơn thì chỉ Điều tra viên Ngô Văn Định và Nguyễn Mạnh Cường được phân công điều tra vụ án. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, Điều tra viên Lê Xuân Tình dù không hề được phân công nhưng vẫn tiến hành rất nhiều hoạt động điều tra.

Luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt - Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: 

Theo Điều 35 - Bộ luật tố tụng hình sự; Thông tư số 01/2006/TT-BCA, việc làm này là không đúng thẩm quyền, trái pháp luật. Các tài liệu do ông Lê Xuân Tình lập không có giá trị pháp lý, không được xem là tài liệu tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án.
Vụ án này có hai hiện trường chính là chỗ đỗ xe ôtô và chỗ anh Thảo bị Sơn chém gục xuống bất tỉnh. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án chỉ có hiện trường nơi chiếc xe ôtô đỗ mà hoàn toàn không có tài liệu hiện trường nơi anh Thảo bị chém. Ông Nguyễn Khắc Chữ và ông Nguyễn Thạc Triệu (cùng trú tại thôn 8 - xã Ninh Hiệp - Gia Lâm) xác nhận: ngày 22/05/2008, cán bộ điều tra của công an Từ Sơn có đến hiện trường nơi anh Thảo bị chém đo đạc, chụp ảnh vũng máu đồng thời vẽ sơ đồ hiện trường này; bản thân ông Chữ và ông Triệu đều cùng tham gia đo đạc. Vậy tại sao cơ quan điều tra không đưa tài liệu hiện trường này (một nguồn chứng cứ quan trọng) vào trong hồ sơ vụ án?

Theo biên bản khám nghiệm hiện trường (bút lục số 33) thì “trong ca bin: bên ghế lái có 1 viên gạch chỉ, ghế bên phụ có 1 viên gạch chỉ…nắp đèn trần cabin bị vỡ, cốp xe bị mở ra”. Điều đó chứng tỏ kẻ phá hoại đã mở cửa xe, vào cabin để lục lọi tài sản và đập phá xe ôtô. Như vậy, đương nhiên phải có nhiều dấu vết vật chất để lại ở hiện trường. Chỉ cần lấy dấu vân tay kết hợp với các lời khai của những người có liên quan khác là có thể truy nguyên được tội phạm”. Thế nhưng, không hiểu vì nghiệp vụ non kém hay vì một lý do“ tế nhị” nào khác mà CQĐT đã không tiến hành biện pháp này (?)

... Và “quên” không đối chất? 

Theo quy định tại Điều 138 – Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 05/2005 ngày 7/9/2005 thì các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải tiến hành đối chất khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người. Trong vụ án này, mặc dù trong lời khai, Sơn thừa nhận là Huy có hành vi đập phá chiếc xe ôtô, bản thân anh Thảo (bị hại) và anh Nguyễn Tiến Thảo (bạn của Huy) cũng khai: Huy đã có hành vi đấm, đá, cướp tiền, giấy tờ xe ôtô và đập phá chiếc xe ô tô của anh Thảo nhưng Huy không thừa nhận hành vi này… Và CQĐT cũng không cho đối chất để làm rõ sự thật. Vì thế Huy đã "được" đưa ra khỏi vòng tố tụng. 

Luật sư Nguyễn Quang Anh cho rằng, đây là trường hợp vi phạm tố tụng nghiêm trọng được quy định tại Mục 4.4.4 - Nghị quyết 04/2004/HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

“Vô tình” bỏ lọt tội danh

Anh Thảo khẳng định: “Rõ ràng có việc tôi bị chặn xe ô tô và bị tấn công bằng vũ lực trái pháp luật. Mục đích của việc bọn chúng đánh tôi là lấy toàn bộ tiền mặt và giấy tờ xe ô tô của tôi, (sau này CQĐT đã xác nhận để tôi đi làm lại giấy tờ xe). Tôi biết, nhớ rõ và đến tận giờ vẫn nhận ra được mặt của đối tượng vừa đánh, vừa phá, vừa cướp tài sản của tôi. Tôi đã đề xuất CQĐT, nếu cần thiết tôi xin được tiến hành nhận dạng kẻ trực tiếp tấn công và giật tài sản của tôi để làm cơ sở phục vụ công tác phá án”. 

Luật sư Nguyễn Quang Anh cho biết:

“Sự việc có đủ dấu hiệu pháp lý cho thấy, Huy đã phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật hình sự 1999. Căn cứ vào các điều 100, điều 13, điều 104 – BLTTHS, đáng lẽ CQĐT buộc phải khởi tố vụ án hình sự đối với tội cướp tài sản. Việc không khởi tố vụ án là bỏ lọt tội phạm, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự”.

Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Cố ý hủy hoại tài sản được ban hành với lý do hết thời hạn điều tra, “không thể” xác định được thủ phạm thực hiện hành vi hủy hoại. Ngay sau khi phạm tội, tại rất nhiều bút lục, Sơn đã khai nhận cùng với Nguyễn Phụ Huy đập phá chiếc xe ô tô của anh Thảo. Thế nhưng, chỉ vì “vô tình”  quên không giám định mẫu vân tay tại hiện trường vụ án (như đã nói ở trên) mà CQĐT đã “không thể” dùng chứng cứ vật chất đó để truy nguyên thủ phạm thực sự được và “đành” nhanh chóng chấp nhận lời phản cung chối tội của Ngô Minh Sơn để ra quyết định đình chỉ việc điều tra vụ án một cách “hợp pháp”.

Bỏ mặc sau lưng những đề nghị, những tình tiết còn nhiều nghi vấn, TAND và VKSND thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vẫn “thống nhất” với quan điểm của CQĐT để “thông qua” một bản án với nhiều uẩn khúc.

Anh Thảo đã đệ đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Ninh. Dư luận đang trông chờ một phán quyết công minh từ phía những người cầm cân, nảy mực.

Cơ quan báo chí đăng tải: Nhà báo & Công luận

Số, trang, thời gian đăng: Số 35, 36 (676); Tr.23; từ 28/8 đến 10/9/2009

Người thực hiện:  Đào Bình

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer