Quốc ca Việt Nam bị “đánh bản quyền” trên Youtube trong trận bóng Việt Nam - Lào tối qua đang là vấn đề khiến dư luận sôi sục. Nhiều vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ được đặt ra trong vụ việc này

 

Nguồn ảnh: Internet

 

Trước đó, báo điện tử VTV và Chương trình Chuyển động 24h lên tiếng "tố cáo" đơn vị truyền thông BH Media đã nắm giữ bản quyền nhiều tác phẩm trái phép, trong đó có ca khúc Quốc Ca Việt Nam - Tiến Quân Ca. Việc đánh bản quyền của đơn vị truyền thông này đã khiến những tác phẩm có bài hát Tiến Quân Ca bị “đánh gậy” trên Youtube vì vi phạm bản quyền. Trong khi đó, phía BH Media khẳng định họ đăng ký bản quyền với bản ghi Tiến Quân Ca do Hồ Gươm Audio thực hiện và phía Hồ Gươm Audio ủy quyền cho đơn vị này

Ngay ngày hôm qua, trận đấu giữa Việt Nam với đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào cũng bị tắt tiếng bài hát Quốc ca khi phát trực tiếp trên Youtube vì lý do bị đánh bản quyền từ một đơn vị truyền thông. Điều này đã gây nên bức xúc trong dư luận, khi mọi người đều cho rằng Quốc ca Việt Nam thuộc về sở hữu của Nhà nước và Nhân dân, không một đơn vị nào được phép “độc quyền” Quốc ca và yêu cầu sở hữu tác phẩm này.

Về mặt pháp luật, để tìm hiểu vấn đề này cần hiểu rõ về các khái niệm quyền tác giả và bản quyền ghi tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Theo đó, một tác phẩm sẽ có quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với bài hát “Tiến Quân Ca” thuộc về cố nhạc sỹ Văn Cao. Khi còn sống, cố nhạc sỹ đã có tâm nguyện hiến tặng ca khúc này cho công chúng và đến ngày 15/7/2016, gia đình cố nhạc sỹ đã cùng ký bản hiến tặng cho Nhà nước và công chúng. Sau khi làm các thủ tục pháp lý thì hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến Quân Ca quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan về bản quyền. 

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Theo khoản 9 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công chúng với một số lượng bản sao hợp lý.”

Ví dụ: Một bài hát được đưa ra công chúng về phần lời và giai điệu sẽ có quyền tác giả thuộc về nhạc sỹ sáng tác ra bài hát đó. Để hát bài hát, thu âm, phối khí,... thì nhà sản xuất phải được sự đồng ý của tác giả hoặc phải trả một khoản tiền cho tác giả để được phép sử dụng giai điệu và lời hát đó. Sau khi thu âm, sáng tạo nên một tác phẩm hoàn thiện, đưa tác phẩm đến công chúng thì sẽ phát sinh thêm "quyền liên quan" thuộc về đơn vị sản xuất nắm giữ tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố. Bên thứ 3 nếu muốn sử dụng lại bản thu của nhà sản xuất thì tiếp tục phải xin phép hoặc trả tiền bản quyền của tác phẩm.

Như vậy sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp 1: Gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao đã tặng cho bài bát Tiến Quân Ca cho “Nhà nước và công chúng”.

Trường hợp này, bài hát “Tiến quân ca” trở thành tài sản của toàn dân, ai cũng có quyền sử dụng mà không phải xin phép. Khi đó, Hồ Gươm Audio thực hiện thu âm và ủy quyền cho BH Media khai thác bản ghi này hoàn toàn đúng quy định.

Theo khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì chủ sở hữu bản ghi có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện một trong những việc như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Vì vậy nếu các cá nhân, đơn vị khác muốn sử dụng bản ghi “Tiến quân ca” do Hồ Gươm audio thực hiện thì cần xin phép hoặc trả tiền bản quyền, tùy theo sự thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên, trong trường hợp các đơn vị khác không sử dụng bản ghi "Tiến quân ca" do Hồ Gươm Audio thực hiện nhưng BH Media vẫn lợi dụng lỗ hổng ID content (phần mềm quét bản quyền của Youtube) để đánh gậy bản quyền, gây thiệt hại đối với các video khác có sử dụng bài hát "Tiến quân ca" thì đây cũng là hành vi vi phạm và đơn vị bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trường hợp 2: Gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao hiến tặng bài hát “Tiến Quân Ca” cho nhà nước.

Trường hợp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý các vấn đề về bản quyền và việc sản xuất bản ghi Tiến Quân Ca của Hồ Gươm Audio cần nhận được sự cho phép của cơ quan Nhà nước. Nếu chưa xin phép thì việc sản xuất bản ghi, hay việc “đánh bản quyền” của BH Media đều vi phạm pháp luật.

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer