Vấn đề về việc có hay không nên bỏ hình phạt tử hình.
Nguồn ảnh: Internet.
1. Thực tiễn vấn đề:
Một vấn đề đã từng gây xôn xao với rất nhiều những ý kiến khác nhau và đến thời điểm bây giờ vẫn chưa tìm được sự thống nhất về ý kiến với vấn đề bỏ hay không bỏ hình phạt tử hình trong quy định về hình phạt của Bộ luật hình sự.
Các nhà làm luật đã trả lời bằng những quy định của Bộ luật hình sự mới, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 và Luật thi hành án hình sự. Vẫn giữ hình phạt tử hình nhưng hình thức thi hành án tử hình đã thay đổi và được áp dụng đó là hình thức tiêm thuốc độc.
2. Nhận thức chung về “tử hình”:
Hình phạt tử hình có thể nói là hình phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hình thành cũng như phát triển của hệ thống hình phạt của nước ta và đa số các quốc gia khác cũng áp dụng điều đó. Bản chất của của hình phạt này là khiến người bị áp dụng chịu trách nhiệm với hành vi của mình bằng việc tước đoạt tính mạng người đó, được áp dụng ở khung hình phạt cao nhất trong các tội danh mang tính nguy hiểm cho xã hội ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài là một hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự áp dụng cho người bị kết án, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa việc tái phạm của người bị kết án một cách triệt để hoàn toàn, hình phạt này không có mục đích giáo dục hay tạo cơ hội cho người bị kết án có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
Hình phạt tử hình không cho phép cơ quan tư pháp có cơ hội thay đổi hay khắc phục sai lầm trong quá trình thi hành pháp luật.
Theo quy định pháp luật hiện nay những tội áp dụng hình phạt tử hình bao gồm:
STT |
CÁC TỘI CÓ MỨC HÌNH PHẠT CAO NHẤT LÀ TỬ HÌNH |
XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA |
|
1 |
Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc |
2 |
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân |
3 |
Điều 110. Tội gián điệp |
4 |
Điều 112. Tội bạo loạn |
5 |
Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân |
6 |
Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI |
|
7 |
Điều 123. Tội giết người |
8 |
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi |
XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ |
|
9 |
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh |
TỘI PHẠM VỀ MA TÚY |
|
10 |
Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy |
11 |
Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy |
12 |
Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy |
XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG |
|
13 |
Điều 299. Tội khủng bố |
TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ |
|
14 |
Điều 353. Tội tham ô tài sản |
15 |
Điều 354. Tội nhận hối lộ |
PHÁ HOẠI HÒA BÌNH, CHỐNG LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH |
|
16 |
Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược |
17 |
Điều 422. Tội chống loài người |
18 |
Điều 423. Tội phạm chiến tranh |
Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đã được thu hẹp, loại bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh trong BLHS năm 2015, đó là: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và Tội đầu hàng địch (Điều 399).
2. Ý kiến nhận xét chủ quan:
Để có thể đưa ra được cái nhìn tổng quát nhất thì chúng ta cần phải có sự xem xét những gì hình phạt tử hình mang lại cho nhiệm vụ ngăn ngừa tội phạm, đẩy lùi hoạt động tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.
Trong nhóm ý kiến ủng hộ việc nên xóa bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt, họ cho rằng hình phạt tử hình không có sức ảnh hưởng đến những con số thông kê số vụ phạm tội tăng hay giảm, bên cạnh đó hình phạt tù chung thân có tác dụng ngăn ngừa và răn đe không kém hình phạt tử hình.
Ý kiến đó là chưa thực sự đúng đắn, hình phạt được ban hành theo ý chí của Nhà nước và là kết quả nghiên cứu của các nhà làm luật, mỗi hình phạt đều mang tính chung và tính riêng. Hình phạt tử hình loại bỏ trực tiếp chính người bị kết án để tránh việc người đó có thể có cơ hội thực hiện hành vi nguy hiểm, đe dọa đến an toàn của những mối quan hệ xã hội và các cá nhân khác. Nhưng tác dụng của nó không chỉ nằm ở phía người bị kết án mà còn có tác dụng răn đe rất lớn, ví dụ: Một người bị kết án tử hình về tội buôn bán trái phép chất ma túy, sau khi họ bị tước bỏ quyền sống những người khác trong xã hội sẽ hình thành nên tư duy “nếu buôn bán ma túy trái phép sẽ có thể đối mặt với việc mất đi cơ hội tiếp tục sống”…áp dụng cho một người bị kết án nhưng mang lại bài học cho tất cả những người xung quanh, vừa trừng phạt thích đáng hành vi nhưng sự răn đe cũng không nhỏ. Mỗi hình phạt được tuyên đều thích đáng với hành vi, hậu quả mà từ việc người bị kết án thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra, đó là nguyên tắc đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh.
Hình phạt được ban hành không chỉ nhằm đảm bảo tính răn đe, xử lí người phạm tội mà còn cần phù hợp với văn hóa, truyền thống mỗi quốc gia. Tại sao có những quốc gia họ có thể bỏ được hình phạt tử hình, vì văn hóa của họ đặc biệt, như các quốc gia Hồi giáo, người dân của họ coi cái chết như một phần thưởng, phần thưởng đó là tạo cơ hội và mở ra con đường cho họ được lên thiên đàng, vì vậy mà không thể “ban thưởng” cho người phạm tội. Còn ở tại Việt Nam, hình phạt tử hình đã có một chiều dài lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, đó luôn là hình phạt nghiêm khắc nhất của tất cả các triều đại, các nền chính trị.
Quan điểm tiếp theo của những cá nhân ủng hộ việc bỏ hình phạt tử hình đó là hình phạt này vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, mất đi tính nhân đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam vì nó đã tước đoạt tính mạng của người bị kết án, không cho người đó có cơ hội được làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn lại hậu quả mà những người bị kết án đó gây ra, họ giết người, buôn ma túy,…. Những hành vi tước đoạt sinh mạng người vô tội, làm xã hội gia tăng tệ nạn của những con người bị kết án kia có được coi là Nhân đạo? Chúng ta không nói đến sự ngang bằng, vì pháp luật không phải đề ra với mục đích ‘trả thù” ngang bằng, nhưng chúng ta cần phải kế thừa quy luật nhân quả, cần phải loại bỏ mối nguy hiểm ra khỏi đời sống xã hội vì mục đích đấu tranh tội phạm là hướng tới làm trong sạch xã hội. Với những thủ tục tiến hành tố tụng, từ quá trình thu thập tài liệu chứng cứ cho đến quá trình thi hành án được Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ, trên thực tế cho thấy chưa có một trường hợp nào chúng ta tước đoạt tính mạng người vô tội.
Để đảm bảo được tính nhân đạo cho người chấp hành án tử hình, Nhà nước đã quyết định thay đổi hình thức thi hành án tử hình và điều đó với quan điểm cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ. Hình thức thi hành tử hình của nước ta đã thay đổi để giảm đi mức độ tàn bạo, nâng cao tinh thần nhân đạo khi thi hành án tử hình đối với người bị kết án so với hình thức tử hình cũ là xử bắn. Điều này được nhiều quốc gia xung quanh ủng hộ bởi vì nước họ cũng áp dụng hình thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc. Hình thức mới này sẽ mang lại cho người chấp hành án sự bớt đau đớn, có thể cống hiến được cho xã hội coi như sẽ làm được một việc tốt sau khi chấp hành án đó là việc người chấp hành án có thể hiến tặng lại thể xác cho y học sau khi thi hành án xong để có thể cứu giúp những bệnh nhân đang cần người hiến tặng.
Mặc dù hình thức có sự nâng cao tinh thần nhân đạo, mang lại cho người bị kết án khi thi hành án bớt đau đớn, toàn vẹn về thi thể sau khi bị tước bỏ sự sống nhưng chi phí để thi hành án cho một người bị kết án là rất lớn, những công cụ phương tiện đó hoàn toàn không có sẵn tại Việt Nam mà sẽ phải nhập từ nước ngoài. Chi phí cho toàn bộ quá trình thi hành án tử hình được lấy từ ngân sách nhà nước, vậy khoản ngân sách dùng để thi hành án với tất cả các bản án tử hình có ảnh hưởng nhiều đến tổng ngân sách quốc gia? Nó là một sự ảnh hưởng rất lớn, nhiều phạm nhân bị kết án tử hình vẫn chưa chấp hành án vì chưa có khả năng nhập được các nguyên liệu là các loại thuốc dùng để thực hiện việc thi hành án đó.
Về vấn đề tại sao không đồng ý với việc bỏ hình phạt tử hình? Đó là bởi vì những lý do sau:
- Hình phạt tử hình chỉ được tuyên và áp dụng với những tội phạm đã thực hiện hành vi có mức độ nguy hiểm rất lớn và để lại hậu quả rất nghiệm trọng trở lên, vì vậy việc khắc phục hậu quả từ hành vi bị kết án tử hình là hoàn toàn không thể và nếu có khắc phục cũng không thể bù đắp cho những thiệt hại mà nạn nhân của hành vi tội phạm đó bị mất đi.
- Những người bị kết án tử hình là những đối tượng rất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, không thể áp dụng các biện pháp cải tạo và giáo dục cho những đối tượng đó được vì những biện pháp đó đôi khi sẽ vô tình tạo điều kiện cho họ bỏ trốn hoặc tiếp tục thực hiện những hành vi phạm tội nguy hiểm khác.
- Nếu như hình phạt cao nhất, nghiêm khắc nhất không hướng tới việc loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội, làm trong sạch xã hội thì tính trừng phạt của pháp luật sẽ không còn là sự đe dọa với tội phạm. Hãy thử lấy một ví dụ thực tế, khi bạn ở cùng khu phố với một tên tội phạm giết người một cách dã man làm cả xã hội ghê rợn rồi khi kết án chỉ là nhốt hắn lại một khu với những tội trộm cắp rồi các tội nghiêm trọng khác….như vậy bạn sẽ thấy pháp luật tồn tại có phải để trừng phạt tội phạm hay chỉ có tác dụng như một sợi dây pháp lý trói mấy tên tội phạm lại một góc rồi lại thả ra?
- Nhiều người sẽ cho rằng, với tội hắn gây ra để hắn chết đi như vậy là chưa đủ so với những tai họa gây ra.Nhưng hãy nhìn lại hệ thống hình phạt, cao nhất là tử hình và dưới nó là án tù chung thân, bên cạnh đó là những quy định về việc cấm các hành vi hành hạ, bạo hành phạm nhân bị giam, chúng ta tham gia kí kết các điều ước quốc tế bảo vệ nhân quyền, nâng cao sự coi trọng quyền con người và không thể đề xuất việc bổ sung hình phạt nào tàn nhẫn hơn được nữa. Bản chất của hình phạt tử hình đó là dùng chính tính mạng của người phạm tội bị kết án để trả giá cho những hậu quả từ hành vi phạm tội của người đó gây ra.
- Nước ta đang trên con đường phát triển kinh tế thị trường, một nền kinh tế mở, hội nhập, những chính sách về phát triển kinh tế đó đã giúp gặt hái được nhiều kết quả, tuy nhiên kéo theo đó là sự gia tăng về tội phạm. Không chỉ phát triển về số vụ phạm tội, bên cạnh đó tính chất, mức độ nguy hiểm và hình thức thực hiện tội phạm cũng gia tăng và phong phú hơn. Thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật của một số quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình nhưng phải khôi phục lại nó bởi hệ lụy gây ra sau quyết định đó là tình hình tội phạm đã phát triển mạnh mẽ.
- Nếu cho rằng hình phạt tử hình là vi phạm nhân quyền, vi phạm vào quyền được sống-một trong những quyền cơ bản của con người, vậy quyền tự do có phải là quyền cơ bản của con người? Các ý kiến cho rằng tử hình là vi phạm nhân quyền, xâm hại quyền cơ bản của công dân, xóa bỏ nó đi vậy thì chúng ta cần phải xóa bỏ cả những án phạt tù bởi vì những hình phạt tù là tước đoạt quyền tự do của công dân cũng là quyền cơ bản của con người được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia thừa nhận. Như vậy, nếu như lấy cơ sở là vi phạm quyền cơ bản của con người để xóa bỏ và điều chỉnh các hình phạt, thì hệ thống hình phạt sẽ chỉ dừng ở xử lí hành chính mà thôi, giết người, buôn bán ma túy số lượng lớn, xâm phạm an ninh quốc gia….những tội đó hình phạt nếu chỉ là xử lí hành chính có hợp lí và bình ổn được xã hội hay không?
- Đối với nhóm tội phạm về an ninh quốc gia:
- Là loại tội phạm xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là nhóm tội nguy hiểm nhất, bao gồm nhiều tội phạm khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất của các tội phạm trong nhóm này là mục đích chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đối với nhóm tội này chúng ta hoàn toàn không nên bỏ hình phạt tử hình là hình phạt cao nhất, bởi vì khách thể mà nhóm tội này xâm phạm là chủ quyền, nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, đó là những khách thể quan trọng nhất trong xã hội. Sự ổn định của nền an ninh quốc gia có sức tác động to lớn đến sự phát triển cũng như ổn định của các mặt trong xã hội, các mối quan hệ xã hội.
- Nếu như không loại bỏ mối nguy hiểm đang nhằm vào nền hòa bình và an ninh quốc gia thì nền kinh tế, văn hóa, xã hội hay cuộc sống của nhân dân cũng sẽ bị đe dọa và luôn trong trạng thái đối mặt với những nguy hiểm tiềm ẩn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển, quá trình hội nhập mở rộng, các thế lực thù địch coi đó như là một cơ hội tốt để tiến hành các hoạt động chống phá nhà nước ta mà chủ yếu bằng chính sách dùng chính người Việt làm tay sai.
- Đối với nhóm tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người:
- Các tội phạm này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đối tượng tác động của các tội phạm này là con người cụ thể. Theo đó, con người phải là một cơ thể còn sống và có thời điểm tính từ khi sinh ra cho đến khi chết. Điều này để nhằm phân biệt các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người với một số tội phạm cũng có những hành vi phạm tội tương tự nhưng tác động tới đối tượng không phải là con người (người đã chết…). Điều này cho thấy, không thể coi một con người đang còn sống khi chưa lọt lòng mẹ (còn ở trong bào thai) hoặc khi người đó đã chết.
Tính mạng ở đây được hiểu là quyền sống của con người. Quyền sống là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Các tội xâm phạm tới tính mạng con người được hiểu là sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động là con người đang còn sống.
Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hoà trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khỏe con người là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây ra những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng tạo của nạn nhân.
Nhân phẩm được hiểu là phẩm chất, giá trị của một con người cụ thể và được pháp luật bảo vệ. Nhân phẩm là tổng hợp những phẩm chất mang tính đặc trưng của mỗi cá nhân, những yếu tố đặc trưng này tạo nên giá trị một con người. Danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp và là cái nhằm mang lại danh dự, nhằm tỏ rõ sự kính trọng của xã hội, của tập thể. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, bị coi thường, bị khinh rẻ trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tùy thuộc vào vị thế, vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội. - Theo quy định của bộ luật hình sự mới, sẽ áp dụng hình phạt tử hình là hình phạt cao nhất đối với 2 tội danh trong nhóm tội này đó là : tội giết người và tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Các tội danh đó được thực hiện nhằm tước đoạt trái phép tính mạng người khác và làm mất đi danh dự, phẩm giá của người khác, có thể nói đây là 2 tội danh nguy hiểm nhất trong các tội xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của con người.
- Giữ nguyên hình phạt tử hình trong nhóm tội danh này, đặc biệt là 2 tội nêu trên là rất hợp lí, bởi vì tính chất của loại tội phạm này là quá tàn ác, vô nhân đạo, hậu quả của nó gây nên là không thể bồi thường. Tạo ra sự mất mát quá lớn cho người bị hại, gây ra nỗi sợ hãi, hoang mang trong lòng người dân, nếu như không loại bỏ đối tương nguy hiểm thực hiện tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội sẽ là một “quả boom nổ chậm” đối với người dân và sự ổn định của xã hội. Hình phạt tử hình áp dụng trong nhóm tội ác này để trừng trị và răn đe, phòng ngừa chung.
- Nhóm tội phạm về ma túy:
- Tội phạm về ma túy bao gồm các hành vi vi phạm quy định về quản lí và sử dụng chất ma túy theo quy định của Bộ luật hình sự. Nhóm tội này bao gồm nhiều tội dnah khác nhau nhưng cùng tác động và xâm hại đến sức kỏe, sự phát triển bình thường của một con người, trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình và đều có chung đối tượng là ma túy hoặc các chất khác liên quan đến ma túy.
- Việc áp dụng hình phạt tử hình cho nhóm tội phạm này là hoàn toàn hợp lí bởi vì nó xâm phạm đến sự độc quyền của Nhà nước về quản lí, kiểm soát chất ma túy, một loại chất gây nghiện nguy hiểm. Bên cạnh đó loại tội phạm này còn góp phần tạo ra cho xã hội một tầng lớp người mới đó là người nghiện ma túy, đặc biệt là những người đang ở độ tuổi thanh thiếu niên, tạo ra những hậu quả và thiệt hại là vô cùng lớn: thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, sự ổn định của xã hội, tác động xấu đến việc duy trì, phát triển lành mạnh của nòi giống.
Đó là những nhóm tội tiêu biểu nhât, gây ra những hậu quả to lớn nhất cho xã hội, từ đó cho chúng ta thấy rõ được việc áp dụng và duy trì hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt là hợp lí và hoàn toàn có đủ căn cứ để chứng minh tính hợp lí đó. Việc bảo về, duy trì tinh thần nhân đạo là phải bao gồm cả cái chung và cái riêng, cái riêng ở đây đó là nhân đạo đối với cá nhân người bị kết án, tuy nhiên chúng ta cần xem xét cái quan trọng, to lớn hơn đó là cái chung, tinh thần nhân đạo cho toàn xã hội. Cần phải loại trừ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm ra khỏi đời sống xã hội, đó là phù hợp với tình hình chính trị, truyền thống và nhu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta, để tạo ra một xã hội công bằng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân là công dân của nước ta.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 của tác giả PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh.
- Dự án “Khảo sát tác động ngăn ngừa của một số hình phạt trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999” của Trung tâm Tội phạm học thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
- Các văn bản nghiên cứu có liên quan khác.