Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một vấn đề như sau: Hiện nay tôi thấy rất nhiều vụ án dã man như giết người chặt xác, trộm cắt tài sản, cố ý gây thương tích nghiêm trọng... được thực hiện bởi những người chưa thành niên. Hầu hết những vụ án này đều là những vụ án nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Vậy tôi có một thắc mắc là trong những vụ án như vậy, liệu có áp dụng hình phạt tử hình cho người chưa thành niên phạm tội hay không? Mong được luật sư giải đáp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

  1. Về căn cứ pháp lý:

- Bộ luật hình sự năm 2015

- Bộ luật dân sự năm 2015

  1. Nội dung tư vấn:

        Trước hết, từ khái niệm hình phạt tại Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015 thì “tử hình” là một trong những hình phạt được áp dụng với người phạm tội. Đây là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người phạm tội nhằm tước đoạt tính mạng của người đó.  Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với “người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.”.

Về mặt nguyên tắc, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, khi thực hiện hành vi phạm tội thì tội phạm phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Điều đó cũng có nghĩa là dù tội phạm là người đã thành niên hay chưa thành niên thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi do mình gây ra. Tuy nhiên, nếu người phạm tội là người chưa thành niên sẽ là đối tượng phạm tội đặc biệt vì chưa phát triển đầy đủ và toàn diện về thể chất và trình độ nhận thức.

Do đó, việc xử lý người chưa thành niên cũng phải đảm bảo các nguyên tắc nhất định, ví dụ “truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiển cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm”, đồng thời phải bảo đảm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh... (Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015)

Cũng vì hướng đến mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội là người dưới 18 tuổi, tạo cho họ cơ hội được thay đổi, làm lại cuộc đời nên một trong những nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội được nhấn mạnh là Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (khoản 5 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015).

 Nguyên tắc này cũng được nhấn mạnh và cụ thể tại khoản 2 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tử hình, theo đó “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”. Điều đó cũng có nghĩa, đối với người phạm tội là người chưa thành niên (tức chưa đủ 18 tuổi) thì sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình, dù có phạm tội nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer