Gia đình em hiện đang kinh doanh tiệm cầm đồ. Bố em quen biết với giám đốc - cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty kinh doanh xuất nhập khẩu A. Hai năm trước, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu A gặp khó khăn nên vay nhà em tiền và cầm cố bằng ô tô của công ty (trên hợp đồng là khoản vay giữa công ty A và công ty cầm đồ của gia đình em). Vì là chỗ quen biết nên thời gian sau đó, bố em cho ông giám đốc công ty A thuê lại với giá rẻ để đi lại. Đến nay tình hình công ty A vẫn làm ăn thua lỗ, đã quá hạn trả nợ cho gia đình em 6 tháng, thậm chí còn nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê văn phòng…Xin hỏi nếu vậy gia đình em có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Để kết luận về việc công ty cầm đồ của gia đình bạn có thể nộp đơn yêu cầu công ty A mở thủ tục phá sản hay không, trước tiên cần xem xét tư cách pháp lý của công ty cầm đồ.

Theo đó, Công ty cầm đồ của gia đình bạn cho công ty kinh doanh xuất nhập khẩu A vay tiền và nhận cầm cố chiếc xe ô tô. Như vậy, công ty cầm đồ của gia đình bạn giữ tư cách pháp lý là chủ nợ.

Việc phân loại chủ nợ được quy định tại Điều 4 Luật phá sản 2014 như sau:

Chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm.

+ Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

+ Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

+ Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.

=> Do bạn không nói rõ tương quan giữa giá trị tài sản bảo đảm ( chiếc ô tô trị giá bao nhiêu tiền) và khoản nợ giữa hai bên nên trường hợp này, công ty cầm đồ của gia đình bạn được xem xét với tư cách là chủ nợ có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014, chỉ có 6 đối tượng sau đây mới có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản:  

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Như vậy, chỉ có chủ nợ có bảo đảm một phần mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Do đó, tại thời điểm vay, trên hợp đồng hoặc có căn cứ khác cho thấy giá trị của chiếc ô tô cầm cố thấp hơn khoản vay thì gia đình bạn có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Xem thêm tại Điều kiện và thủ tục phá sản doanh nghiệp hiện nay

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer