Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp phải sa thải nhân viên nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do này, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một số nghĩa vụ đối với người lao động. Cụ thể như sau:
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
1. Nghĩa vụ trước khi chấm dứt hợp đồng
Trước khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động để lập Phương án sử dụng lao động. Đồng thời, việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp và thông báo trước 30 ngày (khoản 6 Điều 42 BLLĐ 2019) cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở với nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;
- Tổng số lao động; số lao động cho thôi việc;
- Lý do cho người lao động thôi việc; thời điểm người lao động thôi việc;
- Kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp mất việc làm.
2. Nghĩa vụ sau khi chấm dứt hợp đồng
a) Có văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp (cụ thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp) phải có văn bản Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với từng người lao động.
Văn bản này là căn cứ xác lập thời điểm, sự chấm dứt quan hệ lao động của đôi bên và là điều kiện để đôi bên giải quyết các thủ tục liên quan khác (như: các loại bảo hiểm; tranh chấp, khiếu nại về lao động; tiền lương;….);
b) Thanh toán đầy đủ quyền lợi cho người lao động
Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, riêng với các trường hợp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, thiên tai hỏa hoạn dịch bệnh,...thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày (Điều 48 Bộ luật lao động 2019)
Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.
c) Chi trả trợ cấp mất việc làm
Khi doanh nghiệp không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 42, 47 Bộ luật Lao động 2019
Cụ thể:
Người lao động có tổng thời gian làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, sẽ được trả trợ cấp mất việc làm bằng 01 tháng tiền lương tương ứng với mỗi năm làm việc.
Tuy nhiên, nếu thời gian làm việc tính trả trợ cấp ít hơn 18 tháng thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Trong đó:
- Tiền lương tính hưởng trợ cấp: Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi hợp đồng lao động chấm dứt.
- Thời gian làm việc để tính hưởng Trợ cấp = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế - Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và Thời gian làm việc đã được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc trước đây (nếu có).