1. Trái phiếu có thể rút trước hạn được không?
Bản chất của trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành để xác nhận quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) nên cơ bản đây là giấy ghi nhận nợ. Vì vậy người mua trái phiếu sẽ chỉ được thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đến thời hạn ghi trong trái phiếu.
Vậy trường hợp nào có thể “rút” trái phiếu trước hạn?
Thực ra, người mua không thể yêu cầu doanh nghiệp phát hành thanh toán trái phiếu trước hạn, tuy nhiên vẫn có thể bán lại trái phiếu cho người khác. Khi có người chấn nhận mua lại trái phiếu, thì người sở hữu trái phiếu đó có thể coi là đã “rút” được trái phiếu trước hạn.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, người sở hữu trái phiếu có quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn trong trường hợp:
“1. Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại.
2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu là cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trái phiếu trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu, ngoại trừ trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
3. Các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:
a) Mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu.
b) Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
- Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
- Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định này (nếu có).
4. Quy định tại điểm b khoản 3 Điều này không áp dụng đối với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.”
Như vậy, người sở hữu trái phiếu có thể rút trái phiếu trước hạn trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp người sở hữu thỏa thuận được với doanh nghiệp phát hành.
- Trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm nên bị bắt buộc mua lại:
+ Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục/biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
+ Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục/biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
+ Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu (nếu có).
2. Cẩn trọng khi rút trái phiếu trước hạn
Vạn bất đắc dĩ, người sở hữu trái phiếu không nên rút trái phiếu trước hạn bởi việc làm này sẽ tác động tới cả nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phát hành.
- Đối với nhà đầu tư trái phiếu, rút trái phiếu trước hạn có thể khiến nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro như sau:
+ Không được nhận tiền lãi: Đây là khoản lời mà nhà đầu tư được nhận định kỳ nếu sở hữu trái phiếu doanh nghiệp và rút trái phiếu trước hạn đồng nghĩa với việc NĐT sẽ không được nhận bất kỳ khoản lãi nào.
+ Rủi ro không thu hồi đủ vốn đầu tư mua trái phiếu ban đầu: Khi chấp nhận bán lại trái phiếu thì bên mua chắc chắn sẽ cố hạ giá trái phiếu xuống, vì vậy, rủi ro về không thu hồi được 100% vốn như ban đầu là hoàn toàn có thể xảy ra.
+ Nếu như tất cả các nhà đầu tư đồng loạt rút trái phiếu trước hạn thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc xoay sở tiền bạc, vì vậy trái phiếu sẽ khó thanh khoản.
- Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Mặc dù việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp doanh nghiệp không phải trả lãi cho NĐT, tuy nhiên việc này nếu xảy ra ồ ạt, đồng loạt sẽ khiến doanh nghiệp khó xoay sở dòng tiền, đặc biệt khi doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án ngốn vốn. Trường hợp không thể xoay được tiền trả nợ, doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với cảnh phá sản khi vỡ nợ trái phiếu.
Nếu doanh nghiệp lựa chọn phương án phát hành lại các đợt trái phiếu khác thì thủ tục thực hiện sẽ mất nhiều thời gian và mức lãi suất phát hành trái phiếu sẽ cao hơn. Dòng tiền đứt gãy, phát hành đợt trái phiếu tiếp theo có thể khiến doanh nghiệp nợ chồng nợ.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com