Kinh tế thị trường phát triển khiến cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng ngày càng trở nên gay gắt, và trong cuộc chiến kinh tế, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh trở thành những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày nay không khó để chúng ta có thể bắt gặp những doanh nghiệp có yêu cầu người lao động phải ký thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh hoặc bí mật công nghệ của công ty. Các thỏa thuận này thường xuất hiện dưới dạng cam kết độc lập hoặc cũng có thể được ghi nhận trong chính hợp đồng lao động. Nội dung chủ yếu thường bao gồm việc không được phép tiết lộ các bí mật kinh doanh, các bí mật công nghệ, hoặc không được làm việc cho một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Thời gian cam kết có thể trong phạm vi thời hạn của hợp đồng lao động hoặc có thể kéo dài vài năm sau khi NLĐ nghỉ việc. Vậy pháp luật quy định như thế nào về những thỏa thuận này?

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

1. Doanh nghiệp được phép yêu cầu NLĐ nào ký thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ?

Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:

Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

1. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, công ty được quyền thỏa thuận với những người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không được phép đặt ra nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ với tất cả người lao động trong doanh nghiệp mà chỉ có thể yêu cầu đối với những người lao động ở vị trí công việc liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Quy định này nhằm hạn chế quyền lợi quá lớn của NSDLĐ, tránh việc doanh nghiệp bắt buộc người lao động phải cam kết trong những trường hợp không thật sự cần thiết.

2. Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ bao gồm những nội dung nào?

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

- Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

- Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

- Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

- Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

- Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Lưu ý: Theo khoản 4 Điều 4 Thông tư nêu trên thì đối với bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Quy trình, thủ tục yêu cầu bồi thường với người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019. 

Bước 1. Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì người sử dụng lao động yêu cầu người lao động tường trình bằng văn bản về vụ việc.

Bước 2. Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại như sau:

- Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, người lao động (luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật), thẩm định viên về giá (nếu có); bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;

- Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;

- Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bước 3. Lập thành biên bản nội dung cuộc họp, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

Bước 4. Ban hành Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp.

b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, NSDLĐ có quyền khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu NLĐ bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm đã xảy ra.

===================================================================================================

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer