Những tưởng xã hội ngày càng phát triển thì trẻ em sẽ ngày càng được tôn trọng và yêu thương, thế nhưng thực tế khi mạng xã hội phổ biến hơn thì quyền lợi của trẻ em lại dễ bị xâm phạm hơn. Vừa qua, vụ việc chủ một cửa hàng “bóc phốt” một bé gái 5 tuổi “ăn cắp” một chiếc vòng cao su trị giá 10 nghìn đồng trên mạng xã hội đã khiến dư luận bức xúc, chưa bao giờ, quyền lợi, danh dự của trẻ em lại bị coi rẻ và dễ dàng xâm phạm đến vậy.

Diễn biến vụ việc

Cụ thể, ngày 30-11, trên mạng xã hội lan truyền 1 bài đăng với nội dung: "Truy tìm người thân bé gái này mới qua shop ăn cắp một chiếc vòng tay. Trên tay là tang vật bé lấy nhé. Ai là người nhà thì qua shop làm việc ngay với em". Kèm theo đó là hình ảnh một cô bé được chụp rõ mặt. Ngoài ra, chủ shop còn đăng video cháu bé bật khóc vì lo sợ.

Ảnh: Mạng xã hội.

 

Theo thông tin ban đầu từ phía công an, sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 29.11 tại một shop thời trang trên đường Y Ngông, Phường.Tân Tiến. Thời điểm đó, bé gái tên N. (5 tuổi, ngụ Phường .Tân Tiến) đã vào shop thời trang lấy đi một vòng tay cao su màu trắng, có giá khoảng 10.000 đồng.

Chị T. (29 tuổi, chủ shop) phát hiện nên chặn bé gái lại và dò hỏi nhà cháu nhưng không nhận được câu trả lời. Sau đó, chị T. đã chụp hình cháu bé và quay video để đăng lên trang Facebook cá nhân. Khoảng 40 phút sau, gia đình cháu bé đã tìm đến shop thời trang và đón cháu về nhà.

Vụ việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi đối tượng bị bóc phốt là trẻ em chỉ mới 5 tuổi, và nguyên nhân dẫn đến việc bóc phốt quá đỗi bình thường.

Quan điểm của Luật Sao Việt về vụ việc này

Trong vụ việc này, những dấu hiệu vi phạm về mặt hành chính đã quá rõ ràng. 

Luật Trẻ em 2016 đã quy định rõ ràng tại Khoản 11 Điều 6 về một trong những hành vi bị nghiêm cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Đồng thời, Điều 36 Nghị định 56/2017 cũng quy định cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Hành vi vi phạm những quy định nêu trên sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.”

Mặt khác, ở góc độ pháp luật hình sự, hành vi của chủ cửa hàng có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

…”

Mặt khách quan của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự nêu trên được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của con người và trong trường hợp cụ thể này là danh dự, nhân phẩm của trẻ em.

Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”, điều này đúng trong mọi trường hợp và càng đúng với một đứa trẻ 5 tuổi khi nhận thức về phải trái còn chưa rõ ràng, khái niệm “ăn cắp”, “tài sản của người khác hay của mình” còn không hiểu hết. Vì vậy, hành vi kết tội cháu bé ăn cắp và tự ý đăng ảnh cháu lên mạng xã hội là hoàn toàn sai trái, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngay cả khi mục đích của chủ cửa hàng có nhằm hạ nhục cháu bé hay đơn giản chỉ để câu tương tác, câu like thu hút sự chú ý, thì những dấu hiệu bắt buộc của tội làm nhục người khác cũng đã phù hợp. Với nhận thức của một người trưởng thành đã 29 tuổi, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, chủ cửa hàng này nhận thức hoặc bắt buộc phải nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi làm nhục người khác. Đặc biệt trong trường hợp này, chủ cửa hàng còn sử dụng mạng xã hội làm phương tiện thực hiện hành vi. 

Mặc dù hành vi vi phạm này phát sinh do sự thiếu hiểu biết về pháp luật trong cuộc sống, tuy nhiên khi xác định đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh thì việc khởi tố cần được thực hiện để đảm bảo tính đúng đắn và nghiêm khắc của pháp luật. Dù cái giá phải trả có rẻ rúng hay đắt đỏ, người ta vẫn cần phải trả giá để đối mặt với sai lầm và rút ra bài học cho tương lai.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer