Theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, từ ngày 1/7/2020, sẽ không còn công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày hôm nay 1/7/2020.

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật này là việc thu hẹp các đối tượng là công chức, theo đó, không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức như quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Từ hôm nay 1/7/2020, sẽ không còn công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh minh họa)

    Từ hôm nay 1/7/2020, sẽ không còn công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh minh họa)

Theo Luật Cán bộ, công chức 2008, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã định nghĩa lại về khái niệm công chức.

Theo quy định mới, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Như vậy, Luật sửa đổi quy định không còn bao gồm người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, sẽ không còn công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập nói chung.

Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không được quy định là công chức.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW là không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước).

Tuy nhiên, điều khoản chuyển tiếp của Luật này quy định: Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 mà không còn là công chức theo quy định của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật này thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.

Đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước, Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức.

Trong khái niệm công chức cũng quy định, việc tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh phải "tương ứng với vị trí việc làm".

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về phân loại công chức. Cụ thể, căn cứ vào lĩnh vực ngành nghề, chuyên môn nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng và Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về ngạch công chức, thứ bậc của từng ngạch công chức gắn với vị trí việc làm và tiền lương.

Theo https://congluan.vn/khong-con-cong-chuc-trong-don-vi-su-nghiep-cong-lap-post84542.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer