Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định, bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc cấp cho ông Dương Văn Chúc là không đúng quy định. Bởi vậy, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Sơn và Đồng sự cho rằng, việc thu hồi, hủy bỏ bằng cấp gian lận là cần thiết.
Liên quan đến việc gian lận bằng cấp của quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Thành Sơn và Đồng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư cho biết việc ông Dương Văn Chúc, quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công, năm 2001 nhập học bổ túc THPT nhưng năm 2003 mới tốt nghiệp bổ túc THCS. Việc ông Chúc chưa học hết và tốt nghiệp cấp THCS nhưng đã học cấp THPT có đúng với quy định không?
Theo quy định tại mục 7 Công văn số 10272/GDTX ngày 21/11/1997 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình bổ túc THCS và THPT của Bộ GD&ĐT thì: “Ngay từ khi tuyển vào học lớp 10, học viên phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp do Sở GDĐT cấp. Riêng đối với cán bộ các tổ chức xã hội, công chức nhà nước, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, người lao động (từ 18 tuổi trở lên) bị mất, hoặc thất lạc bằng hoặc giây chứng nhận tốt nghiệp vì bất cứ lý do gì, đều phải dự thi tốt nghiệp bổ túc cơ sở ngay khi đang học lớp 10 để được cấp lại bằng. Tuyệt đối không để một học viên nào vào học lớp 12 mà không có bằng tốt nghiệp THCS”.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn- Trưởng văn phòng Luật sư Thành Sơn và Đồng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Ngoài ra, hàng năm, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp bổ túc THCS và THPT trong các năm từ 2000 đến năm 2003 đều hướng dẫn về điều kiện dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT, ví dụ như Công văn số 2016/GDTX ngày 04/3/2000; Công văn số 11679/GDTX ngày 23/10/2001; Công văn số 2806/GDTX ngày 08/4/2002; Công văn số 2722/GDTX ngày 03/4/2003 về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở, bổ túc trung học phổ thông của Bộ GD&ĐT; Quy chế thi tốt nghiệp bổ túc THCS và bổ túc THPT ban hành kèm theo Quyết định số 18/2002/QĐ- BGD&ĐT ngày 08/4/2002; Quyết định số 46/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 12/11/2002; Quyết định số 12/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/4/2004 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT…
Như vậy, thời điểm ông Chúc theo học thì điều kiện về bằng cấp là điều kiện bắt buộc về tuyển sinh. Ngay từ thời điểm đăng ký học ông Chúc đã không đủ điều kiện tuyển sinh vào bậc THPT hệ bổ túc theo quy định của Bộ GD&ĐT. Từ đó việc học, thi của ông Chúc cũng là không hợp pháp.
Ngày 27/4/2020, Cục trưởng Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT ký Văn bản 616/QLCLQLVBCC và Văn bản 799/QLCL-QLVBCC ngày 28/5/2020 gửi Sở GD&ĐT Thái Nguyên khẳng định việc ông Dương Văn Chúc được cấp bằng tốt nghiệp THPT là không đúng quy định, sau đó Sở GD&ĐT Thái Nguyên cũng có văn bản tương tự gửi UBKT Thị ủy Phổ Yên. Luật sư có quan điểm như thế nào về 2 văn bản của Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT và trường hợp văn bằng được cấp không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào?
Thứ nhất, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền xem xét cân nhắc việc không áp dụng quy định của pháp luật để xử lý một người nào đó. Việc đề nghị Sở GD&ĐT Thái Nguyên không áp dụng quy định để xử lý ông Chúc là vi hiến, trái pháp luật. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý;
Thứ hai, pháp luật hiện hành quy định công văn của Cục Quản lý chất lượng không phải là văn bản pháp luật (trước đây khi chưa có Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật thì vẫn có thể là văn bản quy phạm pháp luật nếu chứa quy phạm pháp luật), do đó Sở GD&ĐT Thái Nguyên không có nghĩa vụ phải chấp hành. Ngoài ra văn bản của Cục Quản lý chất lượng cũng chỉ đề nghị xem xét chứ không chỉ đạo. Trường hợp Sở GD&ĐT Thái Nguyên thực hiện theo văn bản này thì Sở GD&ĐT Thái Nguyên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;
Thứ ba, như đã nêu, thời điểm ông Chúc tham gia học và thi, có rất nhiều văn bản quy định về điều kiện học, tuyển sinh, thi tốt nghiệp. Hàng năm Bộ GD&ĐT đều có văn bản hướng dẫn. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng vi phạm không chỉ xảy ra khi ông Chúc dự thi tốt nghiệp THPT, mà vi phạm có ngay từ khi tuyển sinh, học lớp 10. Không thể đánh tráo khái niệm như Cục Quản lý chất lượng để dung túng cho người vi phạm pháp luật.
Văn bản của Sở CD&ĐT tỉnh Thái Nguyên
Trường hợp văn bằng được cấp không đúng quy định sẽ bị xử lý theo điểm a, điểm e, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT ngày 29/11/2019 của Bộ GD&ĐT quy định: “…Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, ... hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ”.
Do đó, theo quy định của pháp luật thì trường hợp gian lận trong tuyển sinh, học tập dù là lỗi của ai thì cũng thuộc trường hợp thu hồi, hủy bỏ.
Theo quy định, thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng tốt nghiệp THPT là Giám đốc Sở GD&ĐT, tuy nhiên đến nay Sở GD&ĐT Thái Nguyên mới chỉ ban hành văn bản khẳng định việc học và được cấp bằng tốt nghiệp THPT của ông Chúc là không đúng quy định mà chưa có quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng của ông Chúc. Luật sư đánh giá như thế nào về sự việc này?
Về việc Sở GD&ĐT Thái Nguyên kết luận việc học và thi là trái quy định chúng tôi đồng tình, thể hiện Sở GD&ĐT đã áp dụng quy định của pháp luật trong xác minh và kết luận. Tuy nhiên đến nay Sở GD&ĐT vẫn chưa có văn bản thu hồi là còn chậm trễ.
Thời gian qua, một số báo, đài có đăng tải thông tin cho rằng, ông Dương Văn Chúc đang học đến lớp 9 phải tạm dừng việc học tập. Sau những gì đã trình bày ông Chúc được Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Sông Công (nay là thành phố Sông Công) cho nợ bằng THCS để theo học hệ bổ túc văn hóa tại đây. Đề nghị Luật sư cho biết, theo quy định của pháp luật, có trường hợp nào được nợ bằng THCS khi nhập học THPT không?
Pháp luật không có quy định nào về việc cho nợ bằng mà có quy định rất rõ về điều kiện tuyển sinh từ cấp này đến cấp khác. Cụ thể là phải có bằng cấp, chứng chỉ. Thời điểm ông Chúc nhập học bậc THPT hệ bổ túc thì pháp luật chỉ có quy định tại Công văn số 10272/GDTX ngày 21/11/1997, theo đó đối với cán bộ các tổ chức xã hội, công chức nhà nước, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, người lao động (từ 18 tuổi trở lên) bị mất, hoặc thất lạc Bằng hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp thì sẽ được dự kỳ thi tốt nghiệp THCS ngay từ khi vào lớp 10. Tức là một số đối tượng ưu tiên này trước hết họ phải đã từng có bằng tốt nghiệp hoặc giáy chứng nhận tốt nghiệp nhưng do bị mất hoặc thất lạc nên họ sẽ được thi lại ngay khi học lớp 10 (chứ không phải đến khi đã hết lớp 10).
Trường hợp ông Chúc là chưa thi và chưa từng có bằng, giấy chứng nhận tốt nghiệp và khi ông này đã hết lớp 11 mới dự thi. Việc Trung tâm GDTX thị xã Sông Công cho ông Chúc học khi chưa có bằng tốt nghiệp là gian lận, trái quy chế, quy định càng chứng tỏ việc học của ông Chúc là sai phạm. Ông Chúc trình bày như vậy càng chứng minh việc ông Chúc biết tình trạng về điều kiện học tập của mình là chưa đủ nhưng vẫn xin học và tham gia học cũng là vi phạm, gian lận.
Ông Chúc khẳng định việc nợ bằng đã trình bày với Trung tâm GDTX thị xã Sông Công, tuy nhiên lại không thấy văn bản nào khẳng định viêc này, đáng nói hơn trong một số bài viết, phóng sự của một số báo đài còn khẳng định ông Chúc không phải là người có lỗi mà lỗi thuộc về các cơ sở giáo dục, Luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Thứ nhất, việc ông Chúc có vi phạm ngay từ khi tuyển sinh là vi phạm do cố ý. Thời điểm ông Dương Văn Chúc đăng ký học bậc THPT ông Chúc là công dân đã trên 18 tuổi, là người mà theo quy định của pháp luật có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, có nghĩa vụ biết và phải biết pháp luật quy định thế nào về điều kiện học không thể không biết việc mình đã học hết ở đâu và bắt đầu tiếp ở đâu.
Về phía Trung tâm GDTX là đơn vị tuyển sinh không thể nói rằng vô ý tuyển sinh nhầm đối tượng học viên. Do đó không thể lấy lý do để đảm bảo quyền lợi cho người học để không áp dụng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng không có quy định nào quy định không áp dụng pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người học.
Thứ hai, như đã đề cập, ông Chúc trình bày như vậy càng chứng minh việc ông Chúc biết tình trạng về điều kiện học tập của mình là chưa đủ nhưng vẫn xin học và tham gia học cũng là vi phạm, gian lận, không thể đổ lỗi cho cơ sở giáo dục đây là hành vi bao biện cho các sai phạm.
Thứ ba, theo quy định, dù là lỗi của ai thì cũng vẫn phải thu hồi bằng cấp. Trong trường hợp của ông Chúc thì lỗi là của cả ông Chúc, cả Trung tâm GDTX thị xã Sông Công và cả Sở GD&ĐT Thái Nguyên nơi cấp bằng cho ông Chúc.
Văn bản của Cục quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT.
Một vị là Nhà giáo nhân dân khi trả lời về trường hợp của ông Chúc đã khẳng định: “Trường hợp của ông Chúc là ham học, học chưa hết cấp hai thì lại học luôn vào bổ túc cấp ba, anh Chúc học thật, có chứng chỉ học thật và thi thật và bằng thật, theo tôi với tinh thần học tập suốt đời thì nên ủng hộ anh Chúc”. Luật sư có đánh giá như thế nào về nhận định nêu trên?
Quan điểm như vậy là quan điểm sai lầm. Chúng ta đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nghị quyết 48 và 49 của Đảng về cải cách tư pháp và tinh thần Hiến pháp năm 2013 của nước ta luôn khẳng định nước ta là một nước pháp chế xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật. Không thể lấy lý do tinh thần học tập (là một lý do không chính đáng) để bao che cho vi phạm pháp luật. Nếu tinh thần đó còn tiếp diễn thì rất nguy hiểm cho xã hội và chính sách của Nhà nước về giáo dục.
Theo https://congluan.vn/phai-thu-hoi-huy-bo-bang-cap-gian-lan-cua-quyen-chu-tich-ubnd-xa-thanh-cong-post83883.html