Là một trong hai thành viên Liên danh đang nợ hơn 1 ngàn tỷ đồng tiền sử dụng đất nhưng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ADI vẫn được UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất về mặt chủ trương đầu tư dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Công ty ADI đã thuê 3.957,86 m2 đất xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm điều hành xe buýt, kho dịch vụ
của Công ty Đông Bắc để đầu tư Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ. Ảnh: Quang Duy
Nhà đầu tư “tai tiếng”.
Tháng 10/2019, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ADI (Công ty ADI) là một trong hai doanh nghiệp (Liên danh) trúng đấu giá Quyền sử dụng đất Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương, thành phố Thanh Hóa (MBQH 3241) theo Quyết định số 4222/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là: 1.215.030.000.000 đồng (một ngàn hai trăm mười lăm tỷ không trăm ba mươi triệu đồng).
Theo Quyết định 4222/QĐ-UBND ngày 15/10/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương và Thông báo số 281/TB-CCT ngày 24/10/2019 của Chi cục Thuế Khu vực Thành phố Thanh Hóa – Đông Sơn về việc nộp tiền sử dụng đất thì hạn nộp trước ngày 22/11/2019 là: 540.873.000.000 đồng (hơn 540 tỷ đồng); Hạn nộp trước ngày 21/1/2020 là: 607.515.000.000 đồng (hơn 607 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2020, tức là 9 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, Liên danh nói trên mới chỉ nộp được hơn 144 tỷ đồng (bao gồm cả tiền đặt cọc) vào ngân sách nhà nước. Số tiền còn nợ là hơn 1.000 tỷ đồng.
UBND thành phố Thanh Hóa (đơn vị có tài sản bán đấu giá) và cơ quan thuế liên tục có văn bản đôn đốc Liên danh trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước nhưng các nhà đầu tư này vẫn chây ỳ, tìm mọi lý do để trì hoãn.
Tại Văn bản số 2305/UBND-KTTC ngày 15/5/2020, do Phó Chủ tịch Lê Mai Khanh ký, UBND thành phố Thanh Hóa đã yêu cầu Liên danh trúng đấu giá phải nộp đủ toàn bộ số tiền sử dụng đất trong tháng 6/2020. Quá thời hạn nêu trên, nếu Liên danh không nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ, UBND thành phố Thanh Hóa sẽ báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa hủy công nhận kết quả trúng đấu giá.
Công ty ADI là một "con nợ lớn" đối với tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quang Duy
Ưu ái đầu tư Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới? Là một trong hai doanh nghiệp thuộc Liên danh trúng đấu giá MBQH 3241 đang nợ ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng tiền sử dụng đất nhưng mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa lại có công văn thống nhất về mặt chủ trương cho Công ty ADI đầu tư dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ.
Cụ thể: ngày 8/5/2020, Công ty ADI đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa. Mặt bằng thực hiện dự án gồm nhà xưởng, sân đường, bãi đỗ xe có diện tích khoảng 3.957,86 m2 là một phần khu đất của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) được UBND tỉnh cho thuê với mục đích sử dụng xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm điều hành xe buýt và kho dịch vụ thương mại. Hiện trạng đất đề xuất đầu tư Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đã được Công ty ADI thuê lại của Công ty Đông Bắc với thời hạn 20 năm.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông Vận tải và ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương có liên quan, ngày 25/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 8377/UBND-THKH thống nhất về chủ trương đầu tư đầu tư dự án Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ tại số 25/38, Phú Thọ 3, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa.
Điều đáng chú ý là trước đó, ngày 25/2/2020, tại Văn bản số 576/SGTVT-QLPT&NL về việc hướng dẫn, trả lời công ty ADI thành lập phiên hiệu trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP Thanh Hóa, chính Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra những bất cập trong hoạt động đăng kiểm tại Thanh Hóa. Văn bản do Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn nêu rõ: Trong một thời gian ngắn việc có nhiều tổ chức được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và cấp mã số phiên hiệu đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị đăng kiểm (Thanh Hóa hiện có 05 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và 03 tổ chức đã được cấp mã số phiên hiệu - PV).
Văn bản của Sở GTVT từng khuyến cáo tình trạng cung lớn hơn cầu của dịch vụ đăng kiểm tại Thanh Hóa
nhưng cuối cùng vẫn "bẻ còi" đề nghị thống nhất chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Duy
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, thực tế số lượng dây chuyền kiểm định và năng lực cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới của các trung tâm đăng kiểm hiện có đã vượt xa nhu cầu kiểm định của chủ phương tiện, đồng thời việc để các tổ chức đầu tư ồ ạt các trung tâm đăng kiểm (phần lớn nằm ở trung tâm thành phố, thị xã) sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực của xã hội, từ đó sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ đối với cơ quan chức năng tại địa phương.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là chỉ 4 tháng sau, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa lại “bẻ còi” tham mưu cho UBND tỉnh này thống nhất về mặt chủ trương cho Công ty ADI đầu tư Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, bất chấp nguy cơ cạnh tranh gay gắt, vượt xa nhu cầu đăng kiểm, áp lực về quản lý nhà nước mà chính cơ quan này từng khuyến cáo.
Vị trí xin đầu tư Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ của Công ty ADI có mật độ dân số cao. Ảnh: Quang Duy
Cần nói thêm là vị trí xin đầu tư Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ của Công ty ADI nằm ngay trong khu dân cư, có mật độ dân số đông, đường giao thông nhỏ hẹp. Nếu Trung tâm đi vào vận hành sẽ tạo ra áp lực rất lớn về giao thông, môi trường, trật tự đô thị …đối với người dân sinh sống trong khu vực.
Mặt khác, việc nhà đầu tư này đang là “con nợ lớn” của tỉnh Thanh Hóa liệu có đủ năng lực tài chính, đủ điều kiện để đầu tư vào một dự án vốn đã được xác định là cung đang lớn hơn cầu?
Theo https://congluan.vn/thanh-hoa-no-ngan-ty-tien-su-dung-dat-van-duoc-uu-ai-dau-tu-dich-vu-dang-kiem-post85242.html