Những vụ triệt phá các đường dây mua bán dâm lớn gần đây đều gây xôn xao trong dư luận bởi đối tượng bán dâm là các hoa hậu, người mẫu có tiếng, thậm chí cả tiếp viên hàng không,... và số tiền mua dâm là những con số không tưởng. Tuy nhiên, trong khi danh tính những đối tượng môi giới mại dâm được công khai, thì những đối tượng mua - bán dâm lại được giữ bí mật. Điều này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này qua bài viết sau đây của Luật Sao Việt!

đại gia mua dâm tiếp viên hàng không: Hoạt động kín kẽ của đường dây người  mẫu, tiếp viên hàng không bán dâm

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Thứ nhất, mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, có quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình.

Đây là quy định tại Điều 21 của Hiến pháp năm 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình" và được cụ thể hóa tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Mặc dù người mua dâm và bán dâm thực hiện hành vi mua bán dâm là vi phạm pháp luật nhưng các quyền con người của họ vẫn phải được bảo đảm trong đó có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

Việc công khai danh tính của người mua bán dâm khi chưa có sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Thứ hai, hành vi mua dâm và bán dâm mặc dù vi phạm pháp luật nhưng chỉ là vi phạm hành chính và không nằm trong danh sách các vi phạm được phép công khai với công chúng.

Trên thực tế hành vi mua dâm và bán dâm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (trừ trường hợp mua dâm người dưới 18 tuổi)

Đối với những vi phạm hành chính, chỉ các trường hợp quy định tại Điều 72 Văn bản hợp nhất số 31/VBHN -VPQH ngày 07 tháng 12 năm 2020 về Luật xử lý vi phạm hành chính mới được phép công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt. Cụ thể, việc công khai chỉ được áp dụng trong trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; Khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. 

Vi phạm về mua bán dâm không nằm trong danh sách này, vì vậy sẽ không được công khai.

Thứ ba, ngay cả đối với tội phạm, việc công khai danh tính của đối tượng cũng cần rất thận trọng.

Chưa nói đến việc, hành vi mua bán dâm không được coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Ngay cả đối với những bị can, bị cáo trong vụ án hình sự (ví dụ như trường hợp môi giới mại dâm) việc công khai danh tính các đối tượng này cũng cần phải xem xét lại.

Trong tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc hàng đầu cần được tuân thủ. Trong Điều 13 BLTTHS năm 2015 nguyên tắc này được quy định như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Như vậy, ngay cả khi bị khởi tố hình sự, bị bắt tạm giam thì người bị bắt vẫn là người vô tội và chưa được xem là tội phạm. Người bị buộc tội chỉ được xem là có tội nếu đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo Luật Báo chí, trong các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án. Nghị định 119/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng nghiêm cấm việc đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Theo Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng thì không cần xin phép.

Tuy nhiên quy định này không rõ ràng vì việc đăng hình ảnh bị can bị khởi tố chưa thể xác định có thuộc trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và không cần phải xin phép hay không. Hiện nay, cũng chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn về việc có hay không cho báo chí sử dụng hình ảnh của các bị cáo, bị can, người phạm tội.

Dưới quan điểm của Luật Sao Việt, việc đăng hình ảnh bị can bị khởi tố không thể coi là vì lợi ích quốc gia, dân tộc hay lợi ích công cộng. Bởi chưa rõ lợi ích của việc đăng hình ảnh bị can đối với công cộng như thế nào nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với quyền lợi của chủ hình ảnh và đối với cuộc sống của họ và những người liên quan đã rất rõ ràng. Khi bị công khai danh tính, cuộc sống gia đình, đường công danh sự nghiệp của họ và của người thân sẽ bị hủy hoại. Họ có thể đi đến những quyết định tiêu cực như tự tử vì áp lực dư luận, gia đình họ (cha mẹ, con cái) có thể phải sống trong đau khổ và tủi nhục suốt đời. Trên thực tế, đã có không ít gia đình đã tan nát vì có người thân tham gia vào đường dây mua bán dâm, và bị công khai hình ảnh trên khắp các trang mạng xã hội. 

Tại nhiều nước trên thế giới, khi đưa tin các vụ án đều không đăng ảnh của người bị buộc tội mà chỉ sử dụng hình minh họa, hoặc báo chí sẽ làm mờ khuôn mặt để công chúng không thể nhận diện được. Nhưng tại Việt Nam, quyền về thông tin cá nhân, hình ảnh của người bị khởi tố không được tôn trọng đến vậy. Báo chí dễ dàng đưa các thông tin cá nhân, hình ảnh của người bị bắt ngay cả khi cơ quan điều tra còn chưa ra quyết định khởi tố vụ án, còn dư luận ngay lập tức quy kết người đó có tội mà không cần biết họ có thực sự có tội hay không. Nhiều người cũng không quan tâm đến suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, mà chỉ cần báo chí chỉ đích danh là đã xác định một người phạm tội.

Trong khi chưa có quy định cụ thể, có lẽ báo chí nên cân nhắc vấn đề công khai hình ảnh, danh tính người bị buộc tội. Đây không chỉ là việc làm thượng tôn pháp luật mà còn là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con người.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer