Câu hỏi :

Công ty tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Hiện, chúng tôi đang có dự định hợp tác với một công ty cổ phần hoạt động trong cùng lĩnh vực để thành lập nên một doanh nghiệp mới chuyên về sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng, có trụ sở tại Hà Nội. Xin luật sư cho tôi hỏi, liệu chúng tôi có được thành lập doanh nghiệp không? Loại hình doanh nghiệp chúng tôi có thể thành lập là loại hình nào?

2 doanh nghiệp hợp tác thành lập doanh nghiệp mới

Trả lời:

Chào bạn,

Thứ nhất: Về khả năng thành lập doanh nghiệp của Công ty bạn và công ty đối tác

Tại Điều 18 - Luật doanh nghiệp năm 2014, tại Điều 18 quy định về Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp:

Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần

Theo như quy định trên đây, quyền thành lập doanh nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân; trừ các tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.

Do công ty bạn và công ty đối tác đều là tổ chức, nên nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014: không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước nhằm thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình, thì có quyền thành lập doanh nghiệp theo như các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

 

Thứ hai: Về vấn đề loại hình doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tổ chức, cá nhân được thành lập các loại hình doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn MTV, 2 TV trở lên, công ty cổ phần. Mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm riêng biệt và phù hợp với các đối tượng khác nhau. Với những thông tin mà bạn cung cấp, căn cứ vào số lượng thành viên có thể xác định:

Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, theo quy định tại Khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp và theo điểm b Khoản 1 Điều 172 Luật Doanh nghiệp: Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Do đó, công ty bạn cùng đối tác không thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh vì ở hai loại hình này quy định người thành lập phải là cá nhân.

Đối với loại hình công ty cổ phần, Điểm b Khoản 1 Điều 110 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Theo đó, loại hình này cho phép người thành lập là pháp nhân, tuy nhiên số lượng thành viên tối thiểu trong công ty phải là 03 thành viên trong khi doanh nghiệp mà công ty bạn và bên đối tác muốn thành lập lại chỉ có 2 thành viên.

Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, khoản 1 Điều 73 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:“Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Loại hình doanh nghiệp này cũng không phù hợp với trường hợp của công ty bạn về số lượng thành viên.

Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, theo Điểm a Khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50. Với điều kiện như vậy, có thể thấy đây là loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất mà công ty bạn cùng bên đối tác có thể lựa chọn.

Như vậy, dựa trên các thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi, việc công ty bạn và bên đối tác thành lập doanh nghiệp chung giữa hai bên là có khả năng thực hiện và loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất trong trường hợp này là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Bạn cũng có thể tham khảo về ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có thể lựa chọn loại hình mong muốn qua bài viết sau :

Infographic - ưu, nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp

Trên đây là ý kiến tư vấn của Chúng tôi về vấn đề bạn quan tậm, nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer