Tôi đang có dự định thành lập một doanh nghiệp chế xuất. Vui lòng tư vấn giúp tôi điều kiện thành lập doanh nghiệp chế xuất và những thủ tục cần thực hiện để thành lập. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện thành lập doanh nghiệp chế xuất

Theo quy định tại khoản 21 Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP  Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế. Doanh nghiệp chế xuất được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Nếu doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất thì sẽ được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp chế xuất cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 28a  Nghị định 18/2021/NĐ-CP về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan bao gồm::

-  Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa.

- Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng;

- Doanh nghiệp chế xuất muốn được hưởng ưu đãi đầu tư và chính sách thuế đối với khu phi thuế quan phải được cơ quan hải quan có thẩm quyền xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trước khi chính thức đi vào hoạt động.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất

Bước 1: Đăng ký chủ trương đầu tư với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư 2020, các dự án sau đây sẽ phải xin quyết định chủ trương đầu tư của Cơ quan Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

- Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị; dự án đầu tư phù hợp với quy định pháp luật về di sản văn hóa 

- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn (golf);

- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Doanh nghiệp chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư (Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020) bao gồm:

- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

- Đề xuất dự án đầu tư;

- Bản sao một trong các tài liệu chứng minh khả năng tài chính của nhà đầu tư;

- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bước 3: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuẩn bị một bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

- Điều lệ công ty;

- Danh sách cổ đông hay thành viên công ty;

- Bản sao công chứng giấy tờ cá nhân hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập…;

- Các văn bản chứng minh đủ điều kiện sản xuất hàng hóa, sản phẩm kinh tế.

Bước 4: Thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận. 

Bước 5: Khắc dấu của doanh nghiệp

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã tiến hành đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp tiến hành khắc dấu tại một trong những đơn vị khắc dấu được cấp phép. 

Bước 6: Công bố mẫu dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt về điều kiện thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer