Theo như các nghị quyết của Đảng hay các văn bản pháp quy của Chính phủ và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì khái niệm cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước có thể được hiểu thống nhất là một quá trình chuyển doanh nghiệp từ chủ sở hữu nhà nước sang hình thức chủ sở hữu nhiều thành phần đồng thời doanh nghiệp cũng chuyển hình thức hoạt động sang loại hình công ty cổ phần từ loại hình doanh nghiệp nhà nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cổ phần hóa là khái niệm được hiểu hẹp hơn tư nhân hóa.

Trong việc cổ phần hóa, phần tài sản của doanh nghiệp nhà nước được rao bán lại cho nhiều những thành phần khác nhau bao gồm: các tổ chức kinh tế, xã hội, các cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp, giữ lại 1 phần cổ phần cho nhà nước trong chính doanh nghiệp đó. Như vậy, doanh nghiệp nhà nước từ hình thức sở hữu từ nhà nước duy nhất đã chuyển sang hỗn hợp. Việc này dẫn đến những thay đổi quan trọng về hình thức tổ chức, quản lý cũng như các phương thức liên quan đến hoạt động công ty. Doanh nhiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa sẽ trở thành công ty cổ phần, điều lệ và thể thức hoạt động tuân theo Luật doanh nghiệp 2014.

Qua việc cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, giúp tạo động lực và cơ chế quản lý năng động; huy động thêm được nguồn vốn của xã hội vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Như vậy,  hiệu quả, sức cạnh tranh cùng khả năng hội nhập của doanh nghiệp được nâng cao. Thực tiễn cũng khẳng định cổ phần hóa đã trở thành một giải pháp quan trọng, mục tiêu chủ yếu để cơ cấu lại, đổi mới cơ chế quản lý cũ và thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Bản chất của cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước

Về lợi ích của Nhà nước:

Giúp hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động của công ty, như vậy có thể làm giảm thiểu chi phí quản lý đồng thời tạo được khả năng quản lý tốt và có hiệu quả cao hơn cho nhà nước

Cổ phần hoá giúp thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, tạo dựng được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thu hút được vốn đầu tư của nhân dân, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán vì khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, công ty sẽ phát hành các loại chứng khoán để huy động vốn.

Về lợi ích của doanh nghiệp:

Thu hút nhanh chóng nguồn vốn chưa được sử dụng trong xã hội để đầu tư vào nền kinh tế thông qua việc phát hành chứng khoán.

Sau khi cố phần hóa, người lao động làm chủ doanh nghiệp. Khi đã trở thành cổ đông của công ty, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động gắn liền với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, trở thành người chủ của doanh nghiệp thì người lao động sẽ có trách nhiệm với công ty hơn. Như vậy thì kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mới thực sự có hiệu quả, họ mới được hưởng lợi nhuận cao xứng đáng với sức lao động mà mình bỏ ra.

Từ sự phân tích trên có thể thấy cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Có thực hiện tốt quá trình cổ phần hoá thì mới nhanh chóng thúc đẩy việc cải cách, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer