Ngày nay, những chuổi cửa hàng dịch vụ ăn uống như trà sữa, nhà hàng,… hoặc các dịch vụ làm đẹp như cắt tóc, thẩm mỹ viện mọc lên như nấm. Người ta không còn xa lạ với việc hàng loạt các cửa hàng thuộc cùng một thương hiệu được mở ra trong thời gian ngắn ở nhiều khu vực, thậm chí có thể khai trương nhiều cửa hàng chỉ trong một ngày. Việc nhượng quyền thương mại khiến cho thương hiệu và sản phẩm của thương hiệu đó dễ dàng tiến ra thị trường, gây sự chú ý và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, nhượng quyền thương mại trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang tồn tại nhiều vấn đề rất dễ vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong các thỏa thuận có thể gây hạn chế cạnh tranh. Vậy doanh nghiệp cần lưu ý những gì để tránh vi phạm luật cạnh tranh?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
I, Khái niệm
Nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại mà bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ nhưng theo các điều kiện nhất định mà bên nhượng quyền đề ra hoặc do hai bên thỏa thuận. Nhượng quyền thương mại liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác. Trong thời đại hiện nay, nhượng quyền thương mại ngày càng phổ biến bởi những lợi ích mà nó mang lại đối với cả hai phía, tạo nên một xu thế kinh doanh mới trên thị trường, đặc biệt là thị trường kinh doanh dịch vụ.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Theo quy định tại Điều 11 Luật cạnh tranh 2018 thì những thỏa thuận sau đây được coi là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:
1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
4. Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
5. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
6. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
7. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
9. Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
10. Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
11. Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
II. Một số thỏa thuận trong hợp đồng nhượng quyền có thể vi phạm quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Thông thường, khi ký hợp đồng nhượng quyền, bên nhượng quyền thường yêu cầu bên nhận chuyển nhượng tuân thủ những quy định về giá bán, mặt bằng kinh doanh, phong cách trang trí cửa hàng, menu sản phẩm và dịch vụ, thậm chí một vài bên còn thỏa thuận cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu cho các đối tác nhận chuyển nhượng. Việc thỏa thuận này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi hệ thống cửa hàng, tuy nhiên cũng rất dễ vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
1. Thỏa thuận giá bán
Giá bán trong một chuỗi các cửa hàng nhận chuyển nhượng thương hiệu thường được thỏa thuận bằng hoặc được phép giao động trong mức độ nhất định. Bên nhượng quyền thường quy định bên nhận chuyển nhượng được phép bán sản phẩm trong mức không cao hơn giá bán tối đa và không nhỏ hơn giá bán tối thiểu nhằm thống nhất cả hệ thống, đảm bảo không có sự chênh lệch quá lớn và không tạo ra ưu thế hơn về giá cho bất kỳ cửa hàng nào trong hệ thống. Tuy nhiên, thỏa thuận về giá bán trong các doanh nghiệp cùng một thị trường là hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 và Khoản 1 Điều 12 Luật cạnh tranh 2018.
2. Thỏa thuận cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất và dịch vụ
Nhiều chuỗi thương hiệu cung cấp dịch vụ ăn uống như café, trà sữa, lẩu,… sẽ yêu cầu những cửa hàng nhận chuyển nhượng phải sử dụng loại nguyên liệu nhất định với công thức nhất định. Một số thương hiệu thậm chí cung cấp sẵn nguồn nguyên liệu, thực phẩm đến cho các chi nhánh của mình. Thỏa thuận này nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trên toàn hệ thống được đảm bảo, giúp duy trì hình ảnh thương hiệu uy tín và lâu dài đối với người sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng rất dễ bị coi là hành vi “thỏa thuận phân chia nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ” hoặc “ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường” nếu bên nhượng quyền yêu cầu bên nhận chuyển nhượng chỉ sử dụng sản phẩm, nguyên liệu từ một bên cung cấp nhất định.
3. Thỏa thuận vể mặt bằng
Đối với một hệ thống cung cấp dịch vụ ăn uống, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe,… thông thường khi thỏa thuận về mặt bằng kinh doanh, bên cạnh việc quy định về phong cách trang trí, các bên sẽ đặc biệt lưu ý về vị trí, khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng nhằm đảm bảo không có sự cạnh tranh lẫn nhau trong cùng một khu vực, thu hút lượng khách hàng cố định và tối đa lợi nhuận hưởng trên toàn hệ thống. Mặc dù đây là thỏa thuận cần thiết và cũng là một chiến lược kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên nó cũng có thể bị coi là hành vi “thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ…” quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật cạnh tranh 2018 nêu trên.
III. Doanh nghiệp cần lưu ý những gì để hạn chế vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong nhượng quyền thương mại?
Điều 14 Luật cạnh tranh 2018 quy định về miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm như sau:
“1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 bị cấm theo quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
b) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;
c) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
d) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.”
Như vậy, những thỏa thuận nêu trên nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng MỘT trong các điều kiện cụ thể luật định thì sẽ được miễn trừ có thời hạn. Do đó, nếu doanh nghiệp chứng minh được những thỏa thuận trong hợp đồng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá hoặc thúc đẩy thống nhất tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, hoặc nhằm thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa hoặc tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì sẽ không bị xử lý về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Ví dụ: Các bên có thể thỏa thuận về quảng cáo và khuyến mại. Thỏa thuận này nó giúp hệ thống duy trì sự ổn định, không khiến khách hàng đổ về một cửa hàng trên hệ thống do cửa hàng đó khuyến mại, quảng cáo nhiều hơn và gia tăng áp lực doanh số cho những cửa hàng khác. Đồng thời thỏa thuận này không vi phạm quy định về hạn chế cạnh tranh theo Điều 11 Luật cạnh tranh 2018.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com