Nhà đầu tư nước ngoài muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn những hình thức đầu tư nào? Mong Luật sư tư vấn giúp những ưu điểm, khuyết điểm của các loại hình đầu tư đó.

 

 

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

 

Trả lời:

Để hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn các hình thức đầu tư như sau:

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: (Quy định tại Điều 22 Luật đầu tư 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 44 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giấy CNĐKĐT) và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định của Việt Nam thì tổng vốn pháp định phải lớn hơn hoặc bằng 30% tổng vốn đầu tư. Vốn góp của nước ngoài do các bên tự thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 30% vốn pháp định, tất cả quy định này được ghi cụ thể trong điều lệ của công ty.

* Ưu điểm:

- Tận dụng được kinh nghiệm, sự am hiểu môi trường kinh doanh của nhà đầu tư nước sở tại

- Tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đầu tư khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho hợp đồng hợp tác kinh doanh

* Nhược điểm:

- Tỷ lệ góp vốn sẽ bị giới hạn theo pháp luật, có thể bị hạn chế tại một số ngành nghề đặc biệt       

- Phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, theo đó thì giấy tờ và thủ tục các bên phải chuẩn bị khá nhiều. Sau khi kết thúc dự án đầu tư và không tiếp tục các dự án khác thì NĐT lại phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.

- Giảm độ linh hoạt vì phụ thuộc vào quyết định của đối tác trong các vấn đề về dự án

- Có thể xảy ra những mâu thuẫn trong nội bộ công ty khi bất đồng quan điểm giữa các bên tham gia

2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế: (quy định tại Điều 24 Luật đầu tư 2014.)

Hình thức đầu tư này được hiểu là nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định về: Hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

 * Ưu điểm:

- Thủ tục đơn giản, mất ít thời gian.

- Tận dụng được “tài nguyên” nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhân công mà doanh nghiệp trong nước đã gây dựng từ đầu

* Nhược điểm:

- Có thể bị hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

- Không được linh hoạt trong các quyết định đầu tư

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC: Hình thức đầu tư này được quy định tại Điều 28 Luật đầu tư 2014.

Đây là hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.  Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

* Ưu điểm:

Hình thức đầu tư này đang ngày càng được nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn khi thực hiện các hoạt động đầu tư bởi chính ưu điểm như: 

- Không tốn tài chính và thời gian vào việc thành lập pháp nhân mới

- Tiết kiệm chi phí vận hành doanh nghiệp

- Không cần làm thủ tục giải thể khi kết thúc hợp tác

- Không thành lập pháp nhân nên nhà đầu tư thường chủ động, linh hoạt hơn và ít phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư.

- Có thể hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực, vốn, công nghệ

* Nhược điểm:

- Do không thành lập pháp nhân nên không có con dấu riêng… và các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận lựa chọn một trong con dấu của các nhà đầu tư để phục vụ cho các hoạt động của dự án đầu tư điều này có thể sẽ gây rắc rối và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư

- Khó khăn khi hợp tác với bên thứ 3 hoặc thực hiện các hợp đồng dịch vụ vì không có tư cách pháp nhân

- Quyền quản lý sẽ chia đều cho các nhà đầu tư => dễ dẫn đến tranh chấp khi không cùng quan điểm, khó xử lý

- Chưa có quy định về trách nhiệm của các bên (theo luật) nên khi xảy ra tranh chấp nếu 1 bên tự ý ký hợp đồng với bên thứ 3 => chưa thể xử lý được

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt, khách hàng nếu có nhu cầu giải đáp các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 (Phím 1)

hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer