Em có vài thắc mắc về việc xác định quyền kiểm soát của công ty mẹ đối với việc biểu quyết ở công ty con. Cụ thể, khi nào một công ty được xác định là công ty mẹ của một công ty khác và quyền kiểm soát của công ty mẹ đối với việc biểu quyết của công ty con được xác định như thế nào? Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Việc xác định công ty mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về việc xác định công ty mẹ như sau:

“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này mà không chỉ xét tới hình thức pháp lý, hay tên gọi của công ty đó…”

Theo đó, Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động trong các trường hợp sau đây:

(1) Nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở Công ty con. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ quyền biểu quyết theo giấy đăng ký kinh doanh và tỷ lệ quyền biểu quyết tính trên cơ sở vốn thực góp thì quyền biểu quyết được xác định theo điều lệ doanh nghiệp hoặc theo sự thống nhất giữa các bên;

(2) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;

(3) Có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;

(4) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con;

(5) Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;

(6) Có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận.

Cụ thể theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 202/2014/TT-BTC thì quyền kiểm soát của công ty mẹ được thiết lập khi công ty mẹ nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con khác trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con trừ những trường hợp đặc biệt khi có thể chứng minh được rằng việc nắm giữ nói trên không gắn liền với quyền kiểm soát.

1. Ví dụ về việc công ty mẹ trực tiếp nắm giữ cổ phần có quyền biểu quyết của công ty con: Công ty A sở hữu 3000 cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết trong tổng số 5.000 cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty cổ phần B. Như vậy công ty A nắm giữ trực tiếp >50% quyền biểu quyết tại công ty B.

Khi đó, công ty A được xác định là công ty mẹ của công ty cổ phần B.

2. Ví dụ công ty mẹ nắm giữ gián tiếp quyền biểu quyết tại một công ty con:

Công ty cổ phần A sở hữu 12.000 cổ phiếu có quyền biểu quyết trong tổng số 15.000 cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty cổ phần B.

=> Quyền biểu quyết của công ty cổ phần A là 80% (12000/15000)trong công ty cổ phần B.

Công ty B đầu tư vào Công ty TNHH C với tổng số vốn là: 800 triệu đồng trong tổng số 1.200 triệu đồng vốn điều lệ đã góp đủ của C. 

=> Quyền biểu quyết của công ty cổ phần B trong công ty cổ phần C là 66,6%.

Quyền biểu quyết gián tiếp của công ty cổ phần A là  53,28%.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer