Tôi đóng BHXH tới nay đã được 14 năm. Bắt đầu từ tháng 1 năm nay tôi  buộc phải nghỉ việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Vì chưa tìm được việc làm nên tôi vẫn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tôi nghe nói bây giờ có quy định thời gian đóng quá 12 năm thì số tháng dư ra không được bảo lưu. Luật sư cho tôi hỏi thông tin này có đúng không? Đối với thời gian đóng dư quá 12 tháng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng như thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đồng thời, tại điểm a khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024) của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp thì:

“a) Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng đến đủ 144 tháng thì thời gian đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu. 

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu ghi tại quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị Đ có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 41 tháng, như vậy, nếu bà Đ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng (tương ứng với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 05 tháng. 

Ví dụ 6: Bà Nguyễn Thị E có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 150 tháng, như vậy, nếu bà E đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 0 tháng.”

Như vậy, trường hợp của bạn đã đóng BHTN được 14 năm ( tức 168 tháng) do đó bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng, số thời gian đóng còn lại sẽ không được bảo lưu. 

Ngoài ra, người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây cũng sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, 

- Bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 

- Bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực tế, không phải đến khi Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH được ban hành, pháp luật mới có quy định về việc không bảo lưu số thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tại điểm b, c, h, l, m và n Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm hay hướng dẫn tại Công văn số 4379/LĐTBXH-VL ngày 17/10/2023 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng đều đã có nội dung không được bảo lưu đối với thời gian thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp còn lại.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer