Tôi năm nay 21 tuổi, từ khi sinh ra tôi đã được nhận làm con nuôi. Trong giấy khai sinh, tôi mang dân tộc Kinh theo dân tộc của bố mẹ nuôi. Đến nay, tôi đã tìm lại được cha mẹ đẻ của mình, thuộc dân tộc Mông, vì thế tôi muốn xác định lại dân tộc của mình theo dân tộc của bố mẹ đẻ. Liệu tôi có quyền xác định lại dân tộc không, và tôi cần chuẩn bị những hồ sơ gì cho thủ tục này? Mong Luật sư tư vấn!

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 29 BLDS năm 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Cá nhân có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

- Cá nhân có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

Như vậy, trong trường hợp trên của bạn, căn cứ Khoản 1 Điều 29 BLDS năm 2015, bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc của mình theo dân tộc của cha mẹ đẻ trong trường hợp bạn là con nuôi và giờ đã xác định được cha mẹ đẻ của mình là ai.

Về thẩm quyền xác định lại dân tộc:

Theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền xác định lại dân tộc như sau: ” Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn nêu trên, bạn đã 20 tuổi thuộc trường hợp là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, vì thế thẩm quyền xác định lại dân tộc thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi bạn đã đăng ký hộ tịch trước đó hoặc nơi cư trú hiện tại của bạn.

Về thủ tục tiến hành xác định lại dân tộc:

Bước 1 : Nộp hồ sơ xác định lại dân tộc

Căn cứ  Khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định người yêu cầu xác định lại dân tộc nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan có thẩm quyền cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch.

Khi cá nhân có yêu cầu xác định lại dân tộc, cần chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ sau đây:

- Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP

Trường hợp người con đã đủ từ 15 tuổi trở lên thì phải có ý kiến của người con thể hiện trong Tờ khai;

- Các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc xác định lại dân tộc như: sổ hộ khẩu , giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh,…;

- Các giấy tờ chứng minh dân tộc của bản thân và cha mẹ.

Bước 2 : Kiểm tra hồ sơ

Khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận có trách nhiệm tiến hành kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ của người có yêu cầu xác định lại dân tộc.

Nếu xét thấy hồ sơ được nộp chưa đầy đủ, cần hoàn thiện thì người tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn thiện đầy đủ theo quy định pháp luật. Trong trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận hồ sơ phải lập văn bản hướng dẫn người có yêu cầu xác định lại dân tộc hoàn thiện hồ sơ, trong đó phải nêu rõ loại giấy tờ và nội dung cần bổ sung. Người tiếp nhận phải ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của mình.

Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đầy đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì mới được tiến hành thủ tục xác định lại dân tộc theo yêu cầu.

Bước 3 : Tiến hành xác định lại dân tộc

Theo quy định pháp luật hiện hành thì thời hạn tiến hành xác định lại dân tộc là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định. Nếu xét thấy yêu cầu xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan thì công chức tư pháp – hộ tịch tiến hành thủ tục xác định lại dân tộc theo yêu cầu của cá nhân và ghi vào Sổ hộ tịch. Công chức tư pháp- hộ tịch cùng người yêu cầu xác định lại dân tộc phải ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân trích lục cho người yêu cầu xác định lại dân tộc. Trong trường hợp cần phải xác minh lại thông tin thì được kéo dài thêm thời hạn nhưng không quá 03 ngày làm việc.

Lưu ý: Trường hợp cá nhân yêu cầu xác minh lại dân tộc không tiến hành tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

- Lệ phí xác định lại dân tộc: Theo quy định pháp luật, cá nhân có yêu cầu xác định lại dân tộc phải nộp lệ phí hộ tịch, trừ các trường hợp thuộc diện được miễn, giảm lệ phí như xác định lại dân tộc cho trẻ em, người cao tuổi,người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Về mức thu lệ phí, người có yêu cầu sẽ nộp lệ phí theo mức mà Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định trên phạm vi tỉnh, thành phố của mình tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương (theo Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC).

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer