Chào Luật sư. Bố tôi bỏ nhà đi được một thời gian, đến giờ vẫn không rõ tin tức. Tôi đã đến Uỷ ban nhân dân xã yêu cầu thông báo tìm kiếm bố tôi và xác nhận cho tôi tạm quản lý tài sản của bố trong thời gian này. Nhưng UBND xã không giải quyết và nói việc này không thuộc thẩm quyền của họ. Tôi muốn hỏi UBND xã làm như vậy là đúng hay sai? Và tôi phải đến cơ quan nào để yêu cầu giải quyết?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú:
Căn cứ theo quy định tại Điều 64 BLDS 2015, khi một người biệt tích 06 tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này.
Đối chiếu theo quy định nêu trên, UBND xã không có thẩm quyền thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú cũng như giao cho người khác quản lý tài sản của người vắng mặt. Trường hợp này, để giải quyết yêu cầu của mình, bạn cần làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bố bạn. Lưu ý: Kèm theo đơn yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, bạn phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh là bố bạn biệt tích 06 tháng liền trở lên; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt thì phải cung cấp tài liệu, chứng cứ về tình hình tài sản của người đó, việc quản lý tài sản hiện có và danh sách những người thân thích của người đó.
Thứ hai, về việc quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
Sau khi Tòa án chấp thuận và giải quyết yêu cầu thông báo vắng mặt, áp dụng biện pháp quản lý đối với tài sản của bố bạn, tùy theo từng trường hợp cụ thể, Tòa án sẽ giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:
- Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý
- Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
- Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
- Trường hợp không có những người thuộc diện nêu trên thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
(Điều 65 BLDS 2015 về quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú )
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Vui lòng liên hệ tư vấn và sử dụng dịch vụ của Công ty Luật TNHH Sao Việt tại:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com