Hiện nay tôi đang làm thủ tục thừa kế di sản của cha tôi để lại là là nhà, đất tại Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội. Khi cha tôi mất đều không để lại di chúc. Trong quá trình khai nhận thừa kế tại Văn phòng Công chứng, do mất giấy khai sinh nên công chứng viên có yêu cầu tôi phải xin xác nhận lại quan hệ nhân thân với người đã chết thì mới làm được.Tôi muốn hỏi việc Công chứng viên yêu cầu như vậy có đúng không và trong trường hợp này tôi phải làm thế nào?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, chúng tôi trả lời bạn như sau:
Đối với di sản thừa kế, nếu không có di chúc thì sẽ được chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế theo quy định tại Điều 650, 651 Bộ luật dân sự năm 2015:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Vì vậy việc Công chứng viên yêu cầu bạn phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với người đã chết là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự bởi khi bạn chứng minh được bạn là con của người đã mất thì bạn mới có quyền được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 57 Luật Công chứng năm 2014:“Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc”.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản, mà chỉ có Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân khi đăng ký thường trú được quy định tại Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP, giấy tờ xác nhận quan hệ cha mẹ con theo quy định Luật hộ tịch. Do đó, trường hợp bạn bị mất giấy khai sinh, để chứng minh quan hệ cha con, bạn có thể sử dụng một trong các giấy tờ sau đây:
+ Giấy khai sinh bản sao chứng thực/ trích lục khai sinh
+ Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con;
+ Quyết định công nhận quan hệ cha con của Tòa án
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha con
+ Xác nhận của UBND cấp xã có thẩm quyền về quan hệ cha con
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ này
Thực tế hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được dần hoàn thiện. Các thông tin chứng minh quan hệ nhân thân của công dân được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Vì vậy bạn có thể ra UBND xã xin trích lục khai sinh, hoặc văn bản xác nhận quan hệ cha con hoặc ra Công an xã/ phường nơi thường trú xin cung cấp thông tin nhân thân (gồm thông tin bố mẹ, anh chị em…) trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bài viết liên quan: Các giấy tờ chứng minh nhân thân theo quy định Luật cư trú
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com