(THPL) - Theo Tổng cục Hải quan, dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động buôn lậu mặt hàng thuốc điều trị, vật tư thiết bị y tế phòng, chống dịch ngày càng phức tạp, đặc biệt là qua đường hàng không bằng loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế.

Báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) đưa tin, lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã nhập lậu thuốc phòng, chữa trị COVID-19.

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Qua các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ thời gian qua có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng tuy không mới nhưng tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức ngày càng tinh vi hơn. Thủ đoạn của các đối tượng là chia lẻ hàng hóa thành các kiện nhỏ, nhập khẩu theo loại hình quà tặng, quà biếu qua đường bưu chính quốc tế, chuyển phát nhanh cố ý khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu… gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ.

 

Lực lượng Hải quan bắt giữ thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu 

Một số vụ việc điển hình trong thời gian qua như: Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh - Cục Hải quan Khánh Hòa đã phát hiện hai đối tượng vận chuyển trái phép thuốc tân dược từ Nga về Việt Nam là thuốc điều trị COVID-19 và thuốc ngừa COVID-19. Tang vật bị tịch thu gồm 14.650 viên thuốc dạng vỉ bằng tiếng Nga (dịch là Arbidol; Areplivir); Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, khám xét một lô hàng test COVID-19 có dấu hiệu nhập lậu từ Hàn Quốc với hơn 85.000 test nhanh COVID-19, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng. Hay tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma - Cục Hải quan Lạng Sơn tuần tra, kiểm soát, phát hiện gần mốc biên giới có một lô hàng vô chủ, qua kiểm tra, hàng hóa gồm: 1.600 bộ kit test nhanh COVID-19 xuất xứ Trung Quốc.

Trước đó, nhiều vụ việc với thủ đoạn tương tự cũng đã bị xử lý. Ví dụ lực lượng chức năng phát hiện 4 lô hàng vi phạm (nhập khẩu từ Nga) trong đó có 180 bộ kit test nhanh COVID-19 và 330 hộp thuốc Arbidol - mặt hàng được quảng cáo trên thị trường dùng trong điều trị COVID-19 trà trộn với nhiều mặt hàng khác như: Rượu mạnh, thuốc lá điện tử, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; vụ 23 kiện hàng từ Ấn Độ về Việt Nam qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sau đó chuyển tiếp ra sân bay quốc tế Nội Bài trên một chuyến bay nội địa phát hiện hơn 77.000 viên thuốc được dùng trong điều trị COVID-19 và điều trị ung thư do Ấn Độ sản xuất.

Theo quy định, test COVID-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng chỉ khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. 

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện lô hàng tân dược nhập khẩu qua đường bưu chính từ Ấn Độ về Việt Nam, trên một số loại thuốc điều trị COVID-19 đều có dòng chữ “For India Only” (sản phẩm chỉ dành cho thị trường Ấn Độ). Để che mắt lực lượng chức năng khi xuất khẩu các loại thuốc điều trị này ra khỏi Ấn Độ, các đối tượng đã đóng gói lồng vào trong vỏ của hộp thuốc điều trị bệnh gan… hoặc đăng ký thành lập mới doanh nghiệp để nhập lậu tân dược.

“Qua các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ vừa qua có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng tuy không mới nhưng tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức ngày càng tinh vi gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng”, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Bùi Trọng Thanh cho biết. Trước tình hình này, các đơn vị đã tập trung rà soát, kiểm tra các công ty có hoạt động nhập khẩu và sản xuất chất thử, hóa chất dùng trong sản xuất mặt hàng bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19.

Trước đó, Theo Báo Nhân dân, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực Y tế.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi. 

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng như: thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị; các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như: trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm kịp thời...

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/buon-lau-thuoc-dieu-tri-covid-19-ngay-cang-phuc-tap-d51202.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer