Từ ngày 21 đến ngày 31/12/2019, nhiều chính sách về lao động – tiền lương, ngân hàng, thương mại,... bắt đầu có hiệu lực, trong đó nổi bật là những chính sách sau đây:

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

1. Tăng mức hưởng nhiều khoản trợ cấp từ 01/7/2020

Ngày 12/11/2019, Quốc hội thông qua Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Theo đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng đồng thời được điều chỉnh tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Thời điểm áp dụng mức điều chỉnh tăng lương, trợ cấp bắt đầu từ 01/7/2020.

2. Chỉ còn 6 nhóm tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ

Đây là nội dung mới tại Nghị định 82/2019/NĐ-CP về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

Theo đó, các nhóm tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ bao gồm:

- Tàu chở hàng khô, gồm: Hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép.

- Tàu container.

- Tàu chở quặng.

- Tàu chở hàng lỏng, gồm: Dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật.

- Tàu chở gas, khí hóa lỏng.

- Tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển.

Nghị định 82/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/12/2019 và thay thế Nghị định 114/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014.

3. Tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ

Thông tư 22/2019/TT-BCT về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ chính thức có hiệu lực từ ngày 27/12/2019 đến 31/12/2024.

Theo đó, tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017 của Bộ Tài chính.

Đối với những lô hàng gỗ dán đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.

4. Cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau dưới 1000 USD chỉ bị phạt cảnh cáo

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, hành vi mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau tùy vào giá trị ngoại tệ vi phạm mà bị xử lý với hình thức và mức phạt tương ứng.

Cụ thể, phạt cảnh cáo đối với trường hợp giá trị ngoại tệ dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

Hiện hành, hoạt động mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau chỉ quy định một mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng, không phân biệt giá trị ngoại tệ vi phạm.

Nghị định 88/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 và thay thế Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer