(CLO) Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, chứ không làm việc qua điện thoại. Do đó, người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Tòa án… gọi điện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

 

Tin lời công an “ảo”, bị chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận thông tin và xử lý các vụ việc lừa đảo qua mạng với nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản. Thông thường, ổ nhóm đối tượng lừa đảo thường bàn bạc với nhau rất kỹ, “phân vai diễn”, lên kịch bản hoàn chỉnh và nhắm vào các “con mồi” nhẹ dạ cả tin để “giăng bẫy”, chiếm đoạt tiền và các tài sản khác.

Trong đó, nhiều trường hợp các đối tượng giả danh công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát… gọi điện thông báo người dân có liên quan đến một vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý hoặc cung cấp cho chúng thông tin về tài khoản cá nhân... Khi người dân do lo sợ và muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin số tài khoản cá nhân, lúc này các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt tài sản và “biến mất”.

cho nhe da ma sap bay cac tin nhan va cuoc goi ao qua mang hinh 1

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an, Tòa án... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn có những nạn nhân bị “sập bẫy” của tội phạm. Ảnh minh họa.

Điển hình như vụ việc vừa qua, Công an quận Đống Đa đang tiến hành xác minh, điều tra trường hợp đối tượng giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hồ sơ ban đầu cho thấy, vào ngày 20/12/2022, Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa tiếp nhận đơn trình báo của chị K. (SN 1985, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về việc: Chị K. có nhận được điện thoại của một đối tượng nam giới tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói rằng chị K. liên quan đến đường dây mua bán ma túy và đang bị công an điều tra. Trước thông tin bất ngờ trên, chị K. giải thích rằng mình không hề liên quan đến đường dây buôn bán ma túy nào cả. Thấy vậy, “đầu dây bên kia” yêu cầu chị K. phải chứng minh được mình “trong sạch”. Theo đó, người tự xưng công an đã hướng dẫn chị K. phải kê khai tài sản của mình, cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng để cho “công an” kiểm tra, xác minh. Do lo sợ nên chị K. đã làm theo hướng dẫn của đối tượng. Thật không ngờ, sau khi cung cấp thông tin thì chị K. phát hiện tài khoản bị mất hơn 1 tỷ đồng. Cho đến lúc này, nạn nhân mới biết mình bị “sập bẫy” lừa đảo nên đã đến cơ quan công an để trình báo.

Theo cơ quan công an, thủ đoạn này của các đối tượng không phải là mới và cũng không phải là ít gặp; mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an, Tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vậy nhưng vẫn có những nạn nhân bị “sập bẫy” của tội phạm. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội và trên báo chí. Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên để tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Cơ quan công an cũng lưu ý: Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, chứ không làm việc qua điện thoại; Mặt khác, cơ quan công an tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của cá nhân nào đó – đây chỉ là hành vi lừa đảo của các đối tượng. Vì vậy, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, để xử lý theo quy định.

Cảnh giác với “bẫy” lừa đảo gửi tin nhắn “lì xì đầu năm”

Trước thềm Tết Nguyên đán đang đến gần, cơ quan công an cũng cảnh cáo về thủ đoạn các đối tượng sử dụng chiêu trò nhắn tin lừa đảo nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng. Trong nội dung các tin nhắn sẽ kèm đường link dẫn đến các trang web giả mạo có tên gần giống với các trang web chính thức của ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều người cả tin, muốn nhận quà “lì xì” và không kiểm tra kỹ nên đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn link trong nội dung tin nhắn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự của ngân hàng và yêu cầu người nhận được tin nhắn điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu…

Khi người dân nhập các thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của họ. Từ đó, bọn chúng sẽ chiếm đoạt số tiền trong tài khoản của bị hại.

cho nhe da ma sap bay cac tin nhan va cuoc goi ao qua mang hinh 2

Tin nhắn lừa đảo nhận tiền lì xì đầu năm của ngân hàng. Ảnh minh họa.

Công an Hà Nội khuyến cáo, người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng để phát hiện tin nhắn giả mạo ngân hàng, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Cần lưu ý, các trang web chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn); các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top)... đều là giả mạo.

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người dân nên hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào; đặt mật khẩu khó đoán, thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; đăng ký nhận thông báo thay đổi số dư giao dịch; thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ, các phương tiện truyền thông đại chúng.

Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng internet, trang xã hội, mạng viễn thông... diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, không chỉ riêng tại Hà Nội mà còn trên cả nước, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, hòng chiếm đoạt tài sản lớn từ nạn nhân.  

Theo https://www.congluan.vn/cho-nhe-da-ma-sap-bay-cac-tin-nhan-va-cuoc-goi-ao-qua-mang-post230625.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer