(THPL) - 10 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên của Đại học Đông Đô đã bị tòa tuyên các mức án từ 12 tháng tù treo đến 12 năm tù giam về tội giả mạo trong công tác. Ngoài ra, tòa buộc trường này phải nộp lại hơn 7,1 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ việc cấp bằng giả cho các học viên.

Báo Tiền phong đưa tin, sau hai ngày xét xử, chiều 24/12, TAND TP. Hà Nội tuyên án 10 bị cáo trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô.

HĐXX kết luận năm 2018, Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT nhà trường) vì động cơ vụ lợi, đã chỉ đạo Dương Văn Hòa (cựu hiệu trưởng) và đồng phạm thu nhận, hợp thức hồ sơ làm giả văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hệ chính quy để thu lời bất chính. Bị cáo Hòa dù biết việc làm trên là vi phạm, nhưng trong các năm 2018-2019, Hòa ký đóng dấu 429 bằng giả cho các học viên.

Bị cáo Trần Kim Oanh (Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục) vì động cơ vụ lợi đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ, làm giả văn bản công nhận 489 học viên trúng tuyển hệ đại học văn bằng 2 để làm căn cứ xin mua phôi văn bằng 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vẫn theo HĐXX, 8 bị cáo còn lại đều là người có trình độ học vấn cao, hiểu biết pháp luật và biết việc cấp bằng đại học không qua tuyển sinh, đào tạo là trái quy định nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi. “Hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, gây mất uy tín cơ quan, đơn vị giáo dục song đều không đóng vai trò chủ mưu, chỉ là đồng phạm giúp sức”, chủ tọa nhận xét.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa 12 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”. Ngoài ra, ông Hòa bị cấm đảm nhiệm các chức vụ, việc làm trong lĩnh vực giáo dục trong vòng 5 năm kể từ khi chấp hành xong án phạt.

Đồng phạm với ông Hòa, 2 cựu hiệu phó là bị cáo Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà lĩnh lần lượt 10 năm và 9 năm tù. 7 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù giam.

Về dân sự, tòa chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, buộc Đại học Đông Đô nộp hơn 7,1 tỷ đồng do thu lời bất chính từ việc cấp bằng giả để sung công quỹ Nhà nước.

Tại phiên tòa, 210 người được xác định đã mua bằng giả của Đại học Đông Đô, được mời đến dự với tư cách người có quyền lợi liên quan, tuy nhiên chỉ 2 người có mặt.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX xác định Đại học Đông Đô đã cấp 429 bằng và 2 giấy chứng nhận giả.

Đối với 210 người được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, cơ quan điều tra xác định 76 người đã sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê hồ sơ công chức, viên chức, thi tuyển công chức, nâng ngạch và thăng hạng viên chức. Những người này đã tự nguyện giao nộp lại số văn bằng giả để xử lý, tiêu huỷ theo quy định pháp luật. 221 trường hợp còn lại, cơ quan điều tra chỉ xác định được họ tên, tuổi nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

 

Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Ngoài ra, cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời, kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả.

Theo Báo VietNamNet, trước đó khai trước toà, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô cho biết, các thành viên tham gia HĐQT nhưng không góp vốn. Người góp vốn thành lập trường là ông Trần Khắc Hùng và một số công ty. Bản chất chủ sở hữu nhà trường là ông Trần Khắc Hùng. Các thành viên tham gia HĐQT để nhà trường có đầy đủ ban bệ. Chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo là do ông Trần Khắc Hùng quyết định và không thông qua HĐQT, ban giám hiệu, mà chỉ đạo trực tiếp đến tất cả bị cáo. Chỉ cần học viên chi đủ tiền thì sẽ được cấp bằng giả.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/cuu-hieu-truong-truong-dai-hoc-dong-do-linh-an-12-nam-tu-d49743.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer