(CLO) Bị can Nguyễn Văn Hưng bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 8,7 tỷ đồng để chỉ đạo cấp dưới xây dựng, hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra bỏ ngoài sai phạm, không kiến nghị xử lý nhằm mục đích tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu.

Trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, ngoài việc bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước - NHNN) bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan (đây là bị can nhận số tiền đặc biệt lớn). Tuy nhiên, cơ quan điều tra làm rõ người chỉ đạo bà Nhàn để thực hiện các hành vi bao che cho SCB lại chính là ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN)

Theo Kết luận điều tra, bị can Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra trong thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2018. Với vai trò của mình, bị can Hưng đã ký quyết định thanh tra 2 đợt đối với Ngân hàng SCB, ký phê duyệt kế hoạch thanh tra, tiếp nhận các báo cáo của trưởng đoàn thanh tra và chỉ đạo Đoàn thanh tra trong toàn bộ quá trình thanh tra. Bị can Hưng cũng là người trực tiếp duyệt văn bản, chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo các văn bản báo, xây dựng dự thảo, ban hành kết luận thanh tra…

cuu pho chanh thanh tra giam sat ngan hang nhan hoi lo 87 ty dong de bao che cho scb hinh 1

Tại Cơ quan điều tra, cựu Phó Chánh thanh tra NHNN khai nhận, kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra đã làm rõ về thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB là rất xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế.., đủ điều kiện phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Tại Ngân hàng SCB, sai phạm, vi phạm hầu hết tại các dự án, phương án, không đủ điều kiện cơ cấu giữ nguyên nợ Nhóm 1, bắt buộc phải chuyển nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu. Các sai phạm đối với một nhóm 71 khách hàng có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Hồ Chí Minh) được phát hiện qua thanh tra là rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi báo cáo, bị can Hưng đã chỉ đạo báo cáo lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ không trung thực, không đầy đủ về thực trạng tài chính của Ngân hàng SCB, không làm rõ nguồn tiền trả nợ đối với các khoản vay của 71 khách hàng nói trên và kiến nghị xử lý, chuyển Cơ quan điều tra và không kiến nghị dừng giải ngân, thu hồi đối với các dự án, phương án tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, cựu Phó Chánh thanh tra này còn chỉ đạo bị can Đỗ Thị Nhàn và cấp dưới xây dựng, hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra bỏ ngoài sai phạm và không kiến nghị xử lý. Nội dung dự thảo thanh tra sai lệch so với kết quả thanh tra.

Bị can Hưng khai rằng, việc làm này nhằm mục đích tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB được tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, việc làm của bị can Hưng dẫn đến NHNN, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm tại Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra.

Bị can Nguyễn Văn Hưng còn khai nhận, toàn bộ việc này đều do bị can này chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và cấp dưới, lãnh đạo NHNN không được Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng báo cáo đúng nội dung, kết quả.

Cơ quan điều tra đánh giá, lời khai của cựu Phó Chánh thanh tra NHNN phù hợp với lời khai của bị can Đỗ Thị Nhàn và các cá nhân liên quan khác. Về yếu tố vụ lợi, cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 42016 đến tháng 10/2018, bị can Hưng nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Cụ thể, bị can Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Ngân hàng SCB) và bị can Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhiều lần đưa tiền cho bị can Hưng với tổng số tiền là 390.000 USD, tương đương hơn 8,7 tỷ đồng.

Số tiền này, bị can Nguyễn Văn Hưng đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Bản thân bị can nhận thức được việc nhận tiền và thực hiện báo cáo không trung thực, không đầy đủ về kết quả thanh tra là trái quy định pháp luật.

Theo https://www.congluan.vn/cuu-pho-chanh-thanh-tra-giam-sat-ngan-hang-nhan-hoi-lo-87-ty-dong-de-bao-che-cho-scb-post273415.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer