(THPL)- Tại gói thầu thi công xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước Hà Nam có giá trị hơn 65 tỷ đồng, bên mời thầu đã đưa ra những tiêu chí được cho là bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu (HSMT) nhằm hạn chế nhà thầu tham gia và “ngầm” ưu tiên cho đơn vị đã trúng thầu.

Cài tiêu chí hạn chế nhà thầu

Tên gói thầu được nêu tên là gói thầu: Thi công xây dựng Nhà làm việc chính, các hạng mục phụ trợ; Hệ thống điều hòa không khí; Hệ thống PCCC, báo động, báo cháy; Hệ thống điện nhẹ; Thang máy, thang nâng tiền; sàn nâng máy chủ. Đây là gói thầu thuộc dự án Đầu tư xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước Hà Nam.

Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (Số 8, Kim Mã Thượng, Hà Nội) thuộc Kho bạc Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý dự án và cũng chính là bên mời thầu. Công ty được thuê tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT là Công ty CP Quản lý dự án và Phát triển công nghệ xây dựng.

Yêu cầu bãi đổ thải phải có xác nhận của chính quyền địa phương trong HSMT

Gói thầu thi công xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước Hà Nam có giá dự toán  được xác định là 65.221.538.563 đồng. HSMT được bán ra từ ngày 17/02/2021 và đến ngày 6/5/2021, ông Trần Quang Nguyên, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nam đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này.

Theo đó, nhà thầu được trao hợp đồng là Liên danh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Miền Bắc, Tổng Công ty 789 và Công ty TNHH Điện lạnh và Thiết bị Công nghiệp Tân Thanh. Giá trúng thầu được công bố là 65.191.021.000. Như vậy, gói thầu này chỉ tiết kiệm được hơn 30 triệu đồng, là một tỷ lệ tiết kiệm cực thấp.

Tại gói thầu này, nếu chỉ xem xét sơ bộ thì thấy rằng trình tự, thủ tục tiến hành các bước từ lập hồ sơ mời thầu đến quyết định lựa chọn nhà thầu đều bài bản theo đúng quy định. Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu, theo phản ánh, trong quá trình lập HSMT gói thầu này, đơn vị lập HSMT đã cố tình cài cắm những tiêu chí  được cho là sai với quy định của pháp luật về đấu thầu, dẫn đến hạn chế số lượng nhà thầu tham gia.

Thứ nhất, trong phần Giải pháp kỹ thuật của mục Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, Đơn vị lập HSMT đã đưa ra tiêu chí cho các nhà thầu phải có Giải pháp về quản lý chất thải: Có thỏa thuận hoặc hợp đồng nguyên tắc với đơn vị sở hữu bãi đổ thải đảm bảo vệ sịnh môi trường (kèm theo tài liệu chứng minh về bãi đổ thải có xác nhận của chính quyền địa phương). (Tr.44 HSMT)

Tiêu chí này được cho là đã đi ngược lại với tinh thần của Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ khi trở thành những “giấy phép con” và trực tiếp hạn chế sự tham gia của đông đảo các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu không có mối quan hệ thân quen với địa phương và chủ đầu tư.

Thứ hai, trong phần tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt và công nhân trực tiếp thực hiện gói thầu, đơn vị lập HSMT đã đưa ra tiêu chí cho các nhà thầu phải cung cấp tài liệu trong đó có Hợp đồng lao động còn hiệu lực hoặc tài liệu khác tương đương. (Tr.41, 42 HSMT).

Tiêu chí trên được cho là vi phạm quy định tại điểm a, Mục 5, phần I, Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu….

Theo phản ánh, tình trạng này đã hạn chế nhiều nhà thầu thực sự có năng lực và nhu cầu tham gia đấu thầu. Chủ đầu tư, đơn vị lập HSMT đã cố tình đưa ra các tiêu chí nhằm hạn chế nhà thầu tham gia, ngầm “đo ni đóng giày” để Liên danh nêu trên trúng thầu.

Cần xác minh làm rõ

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian qua, TCĐT Thương hiệu và Pháp luật nhận được phản ánh của nhiều nhà thầu về tình trạng “cài cắm”, đưa ra những tiêu chí cao, bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu (HSMT), làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu tại nhiều gói thầu. Và như vậy, HSMT trở thành “chốt chặn” để hạn chế nhà thầu, ngầm ưu tiên những nhà thầu thân quen. Và thực tế, rất nhiều bộ HSMT, thậm chí có giá trị rất lớn đưa ra các tiêu chí bất hợp lý; các điều kiện cài cắm cũng trở nên tinh vi, lắt léo hơn.

Trụ sở hiện tại của Kho bạc Nhà nước Hà Nam

Nói về tiêu chí “bãi đổ thải có xác nhận của chính quyền địa phương” tại nhiều gói thầu thời gian qua, đại diện một nhà thầu cho biết: “Xin xác nhận đổ thải là việc khó hơn lên trời. Chúng tôi đã mất thời gian dài nhờ tất cả các kênh quen biết nhưng không thể nào có được những tài liệu như HSMT yêu cầu. Chứng minh có khả năng xử lý rác thải từ công trình, các nhà thầu sẽ phải tìm đối tác và ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị có chức năng này. Nói một cách chính xác, nhà thầu sẽ phải thuê lại bãi rác của đơn vị tại địa bàn này. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu có thêm xác nhận của chính quyền cho riêng nhà thầu đối việc đổ thải là rất oái oăm. Có đến hàng chục lần chúng tôi tìm đến các UBND cấp huyện, xã và trực tiếp đến các phòng tài nguyên và môi trường nhưng câu trả lời luôn là: không có cơ sở để cấp phép đổ thải”.

Ở khía cạnh khác, đại diện nhiều phòng Tài nguyên và môi trường của nhiều quận, huyện mà chúng tôi đã gặp gỡ, xác minh đều cho biết, nhà thầu ít nhất phải có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thì mới có cơ sở để trình cơ quan nhà nước xin giấy phép đổ thải.

Trao đổi với PV về vấn đề này, các chuyên gia cho biết, quy định về xử lý chất thải rắn, chất thải xây dựng đã được quy định rõ tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Việc cấp các giấy phép đổ thải thì lại phân cấp cho UBND các cấp, cụ thể là các phòng tài nguyên và môi trường. “Cơ sở để cấp giấy phép này rất chặt chẽ và bắt buộc cơ quan chức năng phải thẩm định, kiểm tra kỹ trước khi cấp giấy phép. Có hai khả năng xảy ra: một là, hồ sơ của nhà thầu không đủ điều kiện được cấp. Hai là, thời gian cơ quan nhà nước trả hồ sơ vượt quá thời gian lập HSDT của nhà thầu. Trong cả hai trường hợp, nhà thầu đều bất lợi”, một chuyên gia cho biết.

Để làm rõ những nội dung này, PV của Thương hiệu và Pháp luật đã đặt lịch làm việc với phía chủ đầu tư là Kho bạc Nhà nước Hà Nam và Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng . Tuy nhiên đến nay, các đơn vị này vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức về vấn đề nêu trên.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Phi - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Hoàng Thanh cho biết: “Việc đơn vị mời thầu đưa ra những tiêu chí này là một biểu hiện khá rõ nhằm hạn chế nhà thầu tham gia. Thực tế thời gian qua xảy ra không ít hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, song hàng năm, con số tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm là không nhiều. Quá trình tiếp nhận nhiều hồ sơ, vụ việc liên quan đến đấu thầu cho thấy, ít chủ đầu tư, bên mời thầu bị xem xét, xử lý khi để xảy ra các sai phạm trong đấu thầu, khiến nhiều chủ đầu tư biết sai mà vẫn làm".

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để chữa được bệnh “cài cắm” trong HSMT, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cấp có thẩm quyền phải mạnh tay thực thi các chế tài xử lý với các hành vi vi phạm trong việc lập, thẩm định và phê duyệt HSMT.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

"Điều 17. Luật đấu thầu 2013

 Các trường hợp hủy thầu

1. Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

2. Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.

4. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư."

Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
 

 

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/goi-thau-hon-65-ty-dong-tai-kho-bac-nha-nuoc-ha-nam-bi-to-cai-tieu-chi-han-che-nha-thau-d43747.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer