(THPL) - Mới đây, lực lượng QLTT TP.HCM đã phát hiện và tạm giữ gần 5.500 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Theo thông tin ban đầu, ngày 08/11/2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra đồng loạt 02 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Tân Phú và quận Bình Tân. Qua kiểm tra, phát hiện 5.445 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, mắt kính và thực phẩm bao gói sẵn các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, cụ thể:

Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.742 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu: SENSODYNE, CLEAR, DOVE, SUNSILK, TRESEMME'…

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng vi phạm. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM

Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Số 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.793 đơn vị sản phẩm là thực phẩm bao gói sẵn và mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất; không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu: GUCCI, YSL… Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Liên quan đến hàng hoá không rõ nguồn gốc, ngày 07/11/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh K.T trên địa bàn Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 730 đơn vị sản phẩm, là đèn led, đèn trang trí, không ghi xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Đội QLTT số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Theo Cục QLTT TP.HCM, chỉ riêng trong quý 3, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 114 vụ trên địa bàn Quận 1, trong đó có 105 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ ... Đã xử phạt với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, tạm giữ 15.609 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.

Theo https://thuonghieuvaphapluat.vn/tphcm-tam-giu-gan-5500-san-pham-my-pham-nghi-gia-mao-nhan-hieu-d63888.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer