Trong khu dân cư gia đình tôi ở có một gia đình có người bị vấn đề về tâm thần, tuy nhiên theo yêu cầu của gia đình thì muốn giữ người đó ở nhà không cho đi trại để tiện chăm sóc. Nhưng do gia đình bận công việc nên người đó không được ai trông coi và hay đi gây chuyện với các hộ gia đình khác. Cho tôi hỏi trong trường hợp này thì tôi có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan chức năng buộc gia đình đó đưa người nhà bị tâm thần đi đến trung tâm trông giữ được không vì người này làm mất trật tự an ninh khu xóm.

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Trong vấn đề của bạn, dưới góc độ pháp lý là trường hợp nộp đơn yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bắt buộc đi chưa bệnh đối với người bị tâm thần. Việc gia đình của người bệnh không trông nom người nhà mình bị tâm thần để gây nên tình trạng mất an ninh trật tự khu dân cư là vấn đề khiến nhiều người bức xúc tuy nhiên hiện nay chưa có quy định hay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cá nhân, tổ chức nào đó có trách nhiệm đưa người bị tâm thần đi chữa bệnh bắt buộc khi họ chưa có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Khi người bị tâm thần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

Về vấn đề xử lý xử phạt vi phạm hành chính:

Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình là người không có năng lực trách nhiệm hành chính, theo đó những người này không bị xử phạt vi phạm hành chính và không bị áp dụng các biện pháp hành chính.

Về vấn đề vi phạm pháp luật hình sự:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật.

Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần; một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. 

Theo quy định tại Khoản 2 Điểu 49 BLHS 2015 quy định: người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của họ, thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ những quy định của pháp luật, tùy thuộc vào hành vi của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để áp dụng những biện pháp xử lý tương đương, đảm bảo sự công bằng khi xử lý, khi người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là người mắc bệnh tâm thần, đối với vi phạm pháp luật hành chính thì sẽ không bị áp dụng các biện pháp hành chính hay xử phạt mà chỉ có thể thực hiện các hoạt động răn đe, thuyết phục, giáo dục. Trong trường hợp người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật hình sự thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận vụ án và yêu cầu giám định tình trạng tâm thần. Trường hợp phạm tội trong khi mắc bệnh tâm thần thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy trong trường hợp của bạn thì việc nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần nhưng chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì chưa đủ căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý. Đối việc trường hợp này bạn và các hộ dân khác cùng khu phố có thể thuyết phục gia đình phía người có bệnh tâm thần đưa họ vào các trung tâm có sự giám sát, trông nom và chữa bệnh để đảm bảo an toàn và an ninh của cộng đồng khi mà gia đình họ không đủ khả năng và điều kiện trông nom.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer