Công ty tôi và công ty B ký kết hợp đồng chuyển giao dây chuyền sản xuất găng tay, túi bóng và các sản phẩm sinh học khác. Hai bên thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Sau đó công ty B giao không đúng dây chuyền như đã thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến hàng loạt sản phẩm lỗi, không tự giải quyết được nên chúng tôi đã khởi kiện ra Trung tâm Trọng tài. Xin hỏi nếu tại phiên họp giải quyết tranh chấp, công ty B viện lý do để vắng mặt thì phiên họp có được tổ chức không hay sẽ bị hoãn?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý: Điều 56, Điều 57, 59 Luật Trọng tài thương mại 2010

Kết luận: Tùy theo lý do vắng mặt và yêu cầu của các bên, hướng xử lý khi một trong hai bên vắng mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp như sau:

Trường hợp 1: Một trong hai bên vắng mặt mà không có lý do chính đáng

- Đối với nguyên đơn: Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì bị coi là đã rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu bị đơn có yêu cầu hoặc có đơn kiện lại.

- Đối với bị đơn: Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.

Trường hợp 2: Một trong hai bên vắng mặt và có lý do chính đáng

Khi một trong hai bên vắng mặt mà có lý do chính đáng: Hội đồng trọng tài hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp.

Lưu ý: Yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp phải được lập bằng văn bản, nêu rõ lý do kèm theo chứng cứ và được gửi đến Hội đồng trọng tài chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Nếu Hội đồng trọng tài không nhận được yêu cầu theo thời hạn này, bên yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có. Hội đồng trọng tài xem xét, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên họp và thông báo kịp thời cho các bên.

Thời hạn hoãn phiên họp do Hội đồng trọng tài quyết định.

Trường hợp 3: Một hoặc các bên có yêu cầu giải quyết vắng mặt

Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên.

Trường hợp 4: Một trong các bên vắng mặt do bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó (đối với pháp nhân) hoặc chết mà quyền, nghĩa vụ không được thừa kế ( đối với cá nhân) : Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer