Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật khác, mục đích của các quy định về tố cáo nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên trao quyền tố cáo cho công dân không đồng nghĩa với việc công dân được lạm dụng quyền năng này để tung tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác, làm tăng thêm gánh nặng cho các cơ quan có thẩm quyền. Do đó nếu vi phạm công dân vẫn sẽ phải chịu các chế tài xử lý theo quy định pháp luật.

Ảnh minh họa: Internet

Khi thực hiện quyền tố cáo, người dân phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; tuyệt đối không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013), hay cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo (Khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo 2018)....Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.

Trường hợp người tố cáo và những người có liên quan cố tình vi phạm các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 65 Luật Tố cáo 2018). Cụ thể như sau:

Trách nhiệm hành chính:

Xử phạt hành chính là một trong những nguy cơ đầu tiên mà người cố tình tố cáo sai sự thật sẽ phải đối mặt. Khi đó tùy thuộc theo phương thức thực hiện, tính chất, mức độ của hành vi sẽ tương ứng với các quy định xử phạt. Điển hình như việc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội: theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Trách nhiệm hình sự: Nghiêm trọng hơn, người tố cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu TNHS về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 nếu thực hiện các hành vi sau:

+ Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

+ Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Có thể thấy trách nhiệm hình sự được đặt ra với cá nhân tố cáo sai sự thật nếu cố ý bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, ở khung một, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Trường hợp phạm tội kèm theo một trong các yếu tố như có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, bịa đặt vu khống 02 người trở lên, vu khống ông bà cha mẹ, người dạy dỗ nuôi dưỡng, chăm soc giáo dục chữa bệnh cho mình, người đang thi hành công vụ, sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm

- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Vì động cơ đê hèn; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên78; c) Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề

Trách nhiệm dân sự:

Bên cạnh đó, nếu hành vi tố cáo sai sự thật gây thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì người tố cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể theo quy định tại Điều 9 Luật Tố cáo 2018 và Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, người tố cáo phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình. Về nguyên tắc, trách nhiềm bồi thường đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín được đặt ra khi đáp ứng hai điều kiện:

- Có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín : Mặc dù hiện nay trong Luật và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về những hành vi được xem là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nhưng chúng ta có thể hiểu nôm na là những lời nói, hành động nhằm hạ thấp danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác. 

- Có thiệt hại thực tế xảy ra

Về mức bồi thường thiệt hại: Bạn đọc tham khảo tại: https://saovietlaw.com/nghien-cuu-binh-luan-phap-luat/yeu-cau-boi-thuong-1000-ty-ve-hanh-vi-xuc-pham-danh-du-nhan-pham-lieu-co-duoc-chap-nhan-/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer