Chào luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Dì của tôi bị bắt tạm giam liên quan đến hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, hôm nay gia đình tôi nhận được thông báo về việc dì tôi đã tử vong trong trại tạm giam. Tôi muốn hỏi trường hợp bị can chết trong thời gian tạm giam, tạm giữ thì xử lý như thế nào? Ngoài ra theo thông tin thì thời điểm dì của tôi mất thì chưa có kết luận điều tra về vụ án. Vậy khi có kết luận điều tra, người nhà bị can có được quyền xin được cung cấp tài liệu có trong hồ sơ vụ án (như báo cáo giám định, biên bản khám nghiệm hiện trường, bản tự khai của bị can và người làm chứng…) liên quan đến vụ án mà bị can bị bắt tạm giam không ạ? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

  1. Căn cứ pháp lý:
  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
  1. Nội dung tư vấn:

      Thứ nhất, xử lý thế nào khi bị can chết trong thời gian tạm giam?

       Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, việc giải quyết khi bị can, người bị tạm giữ chết trong thời gian tạm giam, tạm giữ sẽ được thực hiện như sau:

 + Thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết;

+ Đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

+ Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.

+ Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

+ Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.

+ Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.

        Như vậy, khi dì bạn không may tử vong trong thời gian tạm giam thì thủ trưởng đơn vị trại tạm giam đó sẽ thông báo cho thân nhâncủa dì bạn về việc này. Sau đó, Cơ sở giam giữ cùng các cơ quan tiến hành tố tụng (như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) sẽ tiến hành các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân tử vong của dì bạn, đồng thời thực hiện hoạt động khai tử theo quy định.

Xem tại https://saovietlaw.com/kien-thuc-luat-hinh-su/khai-tu-doi-voi-nguoi-chet-trong-thoi-gian-bi-giam-giu/

Trường hợp này, gia đình bạn có quyền yêu cầu được bàn giao thi hài để tổ chức an táng. Nếu việc bàn giao thi hài có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, và vệ sinh môi trường thì có thể Cơ quan tiến hành tố tụng không bàn giao thi hài cho gia đình mà trực tiếp tổ chức an táng, nhưng gia đình bạn vẫn có quyền được đề nghị nhận tro cốt, hoặc hài cốt để an táng theo quy định của pháp luật.

Đối với việc giải quyết vụ án: Bị can chết được xác định là trường hợp “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” - là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, “trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”. Khi đó, Vụ án sẽ được đình chỉ điều tra (nếu trong vụ án không còn bị can nào khác), trường hợp đã khởi tố bị can thì sẽ đình chỉ điều tra với bị can theo quy định tại Điều 230, 248, 282 BLTTHS 2015. Do vậy, khi dì của bạn bị chết thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với dì của bạn, và nếu không có bị can khác trong vụ án này thì vụ án sẽ bị đình chỉ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về quyền được cung cấp, sao chụp thông tin, hồ sơ tài liệu của vụ án trong trường hợp bị can bị chết trong quá trình giam giữ. 

         Hiện nay, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, ngoài các cơ quan tố tụng (như Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) và người có thẩm quyền tố tụng thuộc các cơ quan này thì các chủ thể có quyền được tiếp cận hồ sơ, tài liệu của vụ án gồm:

  • Người bào chữa (Luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, nhân viên trợ giúp pháp lý) được quyền yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc thực hiện hoạt động bào chữa cho người bị buộc tội sau khi kết thúc điều tra. – Điều 82 BLTTHS 2015.
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra – Điều 84 BLTTHDS 2015
  • Bị can được “đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu” – điểm i khoản 2 Điều 60 BLTTHS 2015.
  • Bị cáo được quyền “xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa”

Trên cơ sở này cho thấy, kể cả trong trường hợp bị can bị chết trong quá trình giam giữ thì cũng không có quy định nào cho phép thân nhân, người nhà của bị can được tiếp cận hồ sơ vụ án. Bởi hơn hết trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hồ sơ vụ án được coi như một tài liệu mật và chỉ có thể để tại nơi làm việc, được lưu trữ và quản lý theo quy định của pháp luật. Đây là tài liệu vô cùng quan trọng, là cơ sở xác định hành vi phạm tội, liên quan đến tính hợp pháp, công minh trong việc giải quyết vụ án.

Chính vì vậy, chỉ có những người có thẩm quyền và những chủ thể được pháp luật quy định mới được quyền tiếp cận hồ sơ vụ án, với những trường hợp khác thì không được phép tiếp cận những tài liệu này. Trường hợp trong vụ án hình sự của dì bạn có phát sinh trách nhiệm dân sự thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer