Vì trường của con tôi xa nhà vì vậy tôi có mua cho cháu 1 chiếc xe máy honda vision để đi học. Tôi cũng biết cháu 17 tuổi chưa đủ tuổi lái xe nhưng vì cháu quá thích và tôi nghĩ cũng không quá nguy hiểm nên vẫn cho cháu sử dụng. Nhưng cách đây 2 hôm cháu đi học đâm vào người đi xe đạp khiến họ bị ngã ra đường và đập đầu vào vỉa hè, hiện người đó vẫn đang cấp cứu nhưng rất nguy kịch. Gia đình tôi có thăm hỏi, muốn chi trả một phần viện phí nhưng người nhà họ không chịu. Tôi nghe nói con cái gây tai nạn nếu chết người thì cha mẹ phải đi tù thay con, vậy có đúng không ạ? Nếu gia đình tôi bồi thường toàn bộ chi phí thì liệu có được giảm nhẹ TNHS không? Tôi xin cảm ơn

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định độ tuổi của người lái xe, trong đó cho phép người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

Như vậy, trường hợp của con bạn, cháu mới 17 tuổi nên chỉ được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3, thường là các dạng xe cub. Tuy nhiên bạn mua xe honda vision có dung tích đến 110 cc và cho con sử dụng để đi học là hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ con bạn bị xử phạt vì hành vi điều khiển phương tiện giao thông nói chung và mô tô, xe gắn máy nói riêng khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe mà chính bạn cũng sẽ bị truy cứu về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi có hậu quả xảy ra.

Hậu quả mà con bạn gây ra đã rất rõ ràng, nhưng trách nhiệm hình sự mà bạn phải chịu không phải “chịu thay con” mà là chịu trách nhiệm đối với cái sai của chính mình. Cụ thể, tại Điểm a khoản 1 Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”

Theo quy định này, khi bạn biết rõ con mình chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi lái xe phân khối 110cc nhưng vẫn giao xe cho con điều khiển dẫn đến hậu quả gây tai nạn cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm chết người thì bạn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Không chỉ bản thân bạn mà con bạn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

Đồng thời theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác."

Như vậy, trường hợp này con bạn 17 tuổi thì đã đủ tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Việc chủ động bồi thường cho bị hại và gia đình người bị hại được xem là căn cứ để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mẹ con bạn và cũng là nghĩa vụ mà bạn cần thực hiện.

Xem thêm:

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 

- Nạn nhân nhận tiền bồi thường có ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị cáo không?

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer