Anh trai tôi có uống rượu say và gây sự với hàng xóm. Họ có gọi công an tới, khi công an tới khống chế thì anh tôi đã chửi và và có dùng chân đá vào một đồng chí. Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp này, anh tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ không ạ?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, được điều chỉnh bởi pháp luật hành chính và pháp luật hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm và tính chất nguy hiểm của hành vi.

- Ở mức độ vi phạm hành chính, người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

"Điều 21. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này."

- Ở mức độ truy cứu hình sự, tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Về hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỉ lệ thương tật qua giám định) nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, như: đấm, đá, dùng cây đánh, dùng đất, đá ném,...

Có thể thấy, cả hai quy định đều không đưa ra được hành vi diễn ra ở mức độ nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và mức độ nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Điểm khác biệt duy nhất để phân hoá có lẽ chỉ nằm ở mức độ nguy hiểm của hành vi, nhưng việc xác định mức độ của hành vi trên thực tế là vấn đề rất khó khăn. Do đây là tội phạm có cấu thành hình thức (không cần có hậu quả xảy ra), nên việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, nhận thức chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có trường hợp bị truy tố, xét xử mà không cần xem xét đến tính chất, mức độ lỗi vi phạm của họ đã đến mức xử lý hình sự chưa hay chỉ cần xử phạt hành chính. Nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ xử lý trách nhiệm hành chính dù mức độ vi phạm rất cao, gây nguy hiểm cho những người thực thi công vụ (thực tế ở nhiều địa phương lượng án xét xử của tòa án về tội phạm chống người thi hành công vụ cực kỳ ít).

Đối với trường hợp của anh bạn, người này đang trong trạng thái sử dụng chất kích thích (say rượu) nên đã có hành vi chửi và và có dùng chân đá vào một đồng chí công an khi họ xuống giải quyết việc anh bạn gây sự với hàng xóm. Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy hành vi này của anh bạn mặc dù có sai phạm nhưng chưa đủ nghiêm trọng đến mức bị truy cứu TNHS cho nên khả năng cao sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu còn tiếp tục tái phạm và mức độ nguy hiểm của hành vi tăng lên thì khả năng bị truy cứu TNHS về hành vi chống người thi hành công vụ là hoàn toàn có thể.

Bạn có thể tham khảo thêm những phân tích của Luật Sao Việt đối với tội chống người thi hành công vụ tại link sau để hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của tội danh này: 

https://www.saovietlaw.com/kien-thuc-luat-hinh-su/toi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu/

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer