Chào luật sư, tôi muốn được tư vấn về việc triệu tập của cơ quan công an. Chuyện là hôm trước tôi có nhận được một cuộc điện thoại từ một số điện thoại lạ, người này tự xưng là điều tra viên của cơ quan công an, gọi điện để triệu tập tôi lên cơ quan công an làm việc vì liên quan đến một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản vốn vay của ngân hàng VP Bank. Tôi hơi băn khoăn nên có hỏi lại vì tôi không có vướng mắc gì việc vay mượn thì được biết có thông tin của tôi trong hồ sơ vay vốn. Tôi đang do dự không biết có nên có mặt theo nội dung cuộc gọi triệu tập kia hay không? Tôi muốn hỏi công an có được gọi điện thoại để triệu tập công dân đến trụ sở công an để làm việc không? Mong được luật sư giải đáp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Đối với vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017.
  • Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11)

2. Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự có quyền: “Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự”. Như vậy, trong quá trình tra giải quyết một vụ án hình sự, điều tra viên có quyền triệu tập những công dân có liên quan đến vụ án này để tiến hành lấy lời khai và xác minh các tình tiết trong vụ việc.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì khi triệu tập công dân đến để làm việc thì Điều tra viên phải gửi Giấy triệu tập. Trong đó, giấy triệu tập quy định tại khoản 1.4 mục 1 Thông tư 01/2006/TT- BCA được hiểu là “biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng” . Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Đồng thời, trên Giấy triệu tập phải ghi rõ các thông tin về nội dung họ tên, chỗ ở của người bị triệu tập; thông tin về thời gian địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan (Điều 182, Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khoản 1.3, mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (1).

Như vậy, công dân chỉ bị triệu tập lên cơ quan công an để làm việc khi họ được xác định là những người tham gia tố tụng như bị can; bị cáo; bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người chứng kiến, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật. Trường hợp này, khi nhận được giấy triệu tập thì tất cả những người bị triệu tập phải có nghĩa vụ có mặt theo nội dung giấy triệu tập. Trường hợp những người nhận được giấy triệu tập nhưng không có mặt theo nội dung giấy triệu tập thì có thể bị dẫn giải hoặc áp giải theo quy định (Điều 127, khoản 3 Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trường hợp công dân không được xác định là “người tham gia tố tụng” thì cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có cơ quan điều tra) không đươc sử dụng giấy triệu tập, mà chỉ được sử dụng giấy mời để liên hệ với họ phối hợp trong việc điều tra xác minh thông tin. Đồng thời, pháp luật hình sự tại khoản 1.4 Mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) cũng có quy định: “Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.” 

Do đó, trong trường hợp cụ thể của bạn, một người tự xưng là Điều tra viên triệu tập bạn lên cơ quan công an làm việc mà không có giấy mời hay giấy triệu tập theo quy định, nếu người này thực sự là Điều tra viên thì đã vi phạm quy định tại khoản 1.4 mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) nêu trên. Việc bạn không có mặt tại cơ quan điều tra theo yêu cầu trong trường hợp này cũng được xác định là phù hợp và không bị xử phạt.

Ngoài ra, những trường hợp giả danh cơ quan công an gọi điện để lừa đảo người dân cũng diễn ra khá nhiều nên bạn cần cẩn thận hơn. Bạn có thể tham khảo một số trường hợp lừa đảo qua tại đây để có thêm kinh nghiệm xử lý khi gặp phải các tình huống tương tự: https://www.saovietlaw.com/nghien-cuu-binh-luan-phap-luat/canh-bao-mot-so-thu-doan-lua-dao-su-dung-cong-nghe-cao/

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer