Chào luật sư! Em tôi (20 tuổi) đang đi trên đường thì bị anh D đi xe máy đâm vào, sau khi lời qua tiếng lại em tôi đã đánh và gây thương tích cho anh D. Anh D đã tố cáo em trai tôi lên cơ quan công an. Em trai tôi bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Sau đó, gia đình của tôi đã gặp anh D để thương lượng. Anh D đã rút đơn tố cáo và Cơ quan công an đã đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, do có nhiều xích mích sau đó nên anh D dọa là sẽ tố cáo lại. Vậy luật sư cho tôi hỏi em tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư.

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật sư Sao Việt đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134,… Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì em trai bạn đã bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 thì em trai bạn thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại là anh D. Sau đó, anh D đã đề nghị rút đơn tố cáo cho nên vụ án của em trai bạn đã được đình chỉ.

Như vậy, việc cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ vụ án là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Mặt khác, về nguyên tắc nếu đã rút đơn yêu cầu khởi tố thì sẽ không được yêu cầu khởi tố lại. Tuy nhiên, việc anh D rút yêu cầu khởi tố là do bị ép buộc, cưỡng bức thì anh D vẫn có quyền yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố lại vụ án.

Để khởi tố lại vụ án thì cơ quan cảnh sát điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh là gia đình bạn có hành vi ép buộc, cưỡng bức anh D (ví như: đe dọa dùng vũ lực với anh D, người thân thích của anh D…) buộc anh D phải rút đơn yêu cầu khởi tố. Tức là việc anh D rút đơn yêu cầu khởi tố là không xuất phát từ sự tự nguyện.

Hiện tại, những thông tin mà bạn cung cấp không rõ ràng, chúng tôi cần phải biết được gia đình bạn và anh D đã thương lượng, thỏa thuận như thế nào để anh D rút đơn yêu cầu khởi tố? Mâu thuẫn, xích mích sau đó là gì? Việc thương lượng giữa hai bên có người nào làm chứng hay không?... Có như vậy chúng tôi mới có thể tư vấn cho bạn một cách tốt nhất.

Trong trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra xác định việc rút đơn yêu cầu khởi tố của anh D là do bị ép buộc, cưỡng bức và em trai bạn bị khởi tố lại theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì chúng tôi khuyên bạn nên tìm đến Văn phòng luật sư hoặc công ty luật có uy tín để các luật sư tư vấn, hỗ trợ và nếu có yêu cầu thì luật sư sẽ tham gia vào vụ án với tư cách là người bào chữa để bảo vệ tốt nhất quyền vào lợi ích của em trai bạn. Đối với vụ án của em trai bạn thì luật sư sẽ tiến hành một số hoạt động như:

- Làm rõ việc rút đơn yêu cầu khởi tố của anh D; đánh giá, xác định xem việc rút đơn yêu cầu khởi tố của anh D có sự ép buộc, cưỡng bức không;

- Thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan để chứng minh việc anh D rút đơn là tự nguyện;

- Thu thập các tình tiết giảm nhẹ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của em trai bạn.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer