Cách đây 25 năm, khi đang làm công nhân xây dựng ở công trường, trong lúc nóng giận bố tôi đã đánh chết một người công nhân làm cùng rồi bỏ trốn. Nghe mẹ tôi kể lại, bố tôi đã trốn vào Nam ngay khi bị truy nã và mất liên lạc hoàn toàn. Suốt 25 năm qua tôi không có tin tức gì của ông, nhưng vừa rồi, mẹ tôi đột nhiên nhận được điện thoại của bố, ông tâm sự thời gian đã lâu, tuổi đã già nên muốn quay về đoàn tụ với vợ con lúc cuối đời. Bố tôi giờ đã 75 tuổi và mắc bệnh, tôi muốn hỏi trường hợp của bố tôi nếu quay trở về có bị truy cứu TNHS nữa không? Tôi xin chân thành cảm ơn Quý công ty.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội đó. Hết thời hạn đó, người thực hiện hành vi sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng: thời hiệu truy cứu 5 năm

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không quá lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội danh đó là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

- Đối với tội phạm nghiêm trọng: Thời hiệu truy cứu TNHS là 10 năm

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm mà tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, có mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội đó là từ trên 3 năm - 7 năm tù

- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: thời hiệu truy cứu TNHS là 15 năm

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội đó là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù

- Đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: thời hạn truy cứu tnhs là 20 năm

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội đó là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp của bố bạn phạm tội Giết người, đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 123 BLHS. Vì vậy, thời hiệu truy cứu tnhs đối với trường hợp của bố bạn là 20 năm kể từ ngày thực hiện tội phạm.

Theo như bạn chia sẻ thì thời gian bố bạn bỏ trốn đến nay đã 25 năm vì vậy đã quá thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh bố bạn phạm phải.

Tuy nhiên cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Bộ luật hình sự thì: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.”

Như vậy, đối với trường hợp của bố bạn, bố bạn đã bỏ trốn và đã có lệnh truy nã thì thời hiệu truy cứu TNHS sẽ không tính từ thời điểm tội phạm xảy ra mà tính từ thời điểm người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Do đó, bố bạn vẫn sẽ phải chịu TNHS đối với hành vi giết người nếu ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Về việc bố bạn đã già yếu (75 tuổi) và đang mắc bệnh, đây có thể được xem là yếu tố để cân nhắc, đánh giá bố bạn không còn nguy hiểm cho xã hội, từ đó được miễn TNHS. Tuy nhiên việc đánh giá này hoàn toàn phụ thuộc vào tình tiết của sự việc và do quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Các căn cứ miễn TNHS được quy định tại Điều 29 BLHS như sau:

“Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận"...

Nếu trường hợp của bố bạn không được miễn TNHS theo quy định nêu trên thì vẫn sẽ được giảm nhẹ TNHS theo căn cứ tại điểm o khoản 1 ĐIều 52 BLHS vì đã đủ 70 tuổi trở lên. Do đó, bạn nên khuyên bố đi đầu thú để được nhận sự khoan hồng của pháp luật. 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"  

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer