Hôm qua, em trai vừa gọi cho tôi bảo có một Facebook giống y hệt trang cá nhân của tôi, trên đó có đăng tải các dịch vụ mua bán số lô đề, thậm chí người dùng Facebook đó còn nhắn tin hỏi vay tiền bạn bè, người thân của tôi. Tôi rất bức xúc về việc này. Tôi muốn hỏi hành vi giả mạo Facebook của người khác có vi phạm pháp luật không? Và tôi phải xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Ngày nay, mạng xã hội đang dần chiếm ưu thế bởi sự tiện ích của nó, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Khi nhu cầu sử dụng mạng xã hội tăng lên cũng là lúc xảy ra hàng loạt những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là những đường dây phạm tội xuyên quốc gia…

Bản chất của Facebook cá nhân chính là một trang thông tin điện tử theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP) như sau: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.Theo đó, giả mạo Facebook người khác hay giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (Luật CNTT).

Tùy theo tính chất, mức độ mà cá nhân thực hiện hành vi giả mạo Facebook người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm hành chính: được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 20 -30 triệu đồng:

“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

…..d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; …”

Trách nhiệm hình sự:

Cá nhân có hành vi giả mạo Facebook người khác có thể bị truy cứu TNHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 174 BLHS 2015)  nếu việc giả mạo đó nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác.

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.....”

Ngoài ra, nếu hành vi sử dụng Facebook giả mạo gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của chủ sở hữu Facebook thì cá nhân đó còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 BLDS 2015 bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định..

Đối với trường hợp của bạn, trước tiên bạn cần lưu giữ lại bằng chứng các hoạt động, tương tác của tài khoản Facebook đó và thông báo với mọi người đồng thời yêu cầu người đang quản lý tài khoản giả phải chấm dứt hành vi ngay lập tức. Nếu họ không phối hợp và vẫn cố tình thực hiện, bạn có thể sử dụng chế độ tố cáo người dùng trên Facebook, hoặc gửi đơn tố cáo kèm các bằng chứng lên cơ quan công an để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer