Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Chị gái tôi là bị cáo trong một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý. Sáng ngày 25/02 tôi nhận được cuộc gọi của người quen thông báo vụ án của chị gái tôi sẽ được xét xử sơ thẩm sau khoảng 30 phút nữa. Gia đình tôi rất hoang mang vì trước đó không nhận được thông tin gì về việc xét xử này. Gia đình tôi cũng ở tỉnh khác nên khi được thông báo như vậy không thể kịp tham gia phiên toà. Cho tôi hỏi, tại sao khi Toà án xét xử lại không có thông báo gì cho gia đình tôi? Toà làm như vậy có đúng quy định pháp luật không? Nếu gia đình tôi muốn biết lịch xét xử thì phải làm thế nào? Mong được giải đáp.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 286 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc giao, gửi quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được thực hiện như sau:

“Điều 286. Việc giao, gửi quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa.”

Như vậy, các đối tượng được Toà án cấp sơ thẩm gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử bao gồm: bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự.

Nếu không thuộc các đối tượng nêu trên thì Toà án không có nghĩa vụ phải gửi thông báo về việc mở phiên toà xét xử sơ thẩm của chị bạn cho gia đình bạn. Đồng nghĩa với việc, Toà án đang làm đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Trong trường hợp gia đình bạn muốn biết lịch xét xử thì có thể xin thông tin từ bị hại hoặc đương sự khác (nếu có), hoặc gia đình mời người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị bạn, từ đó có thể biết được thông tin về việc mở phiên toà cũng như tiến trình giải quyết vụ án.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:

“Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai

Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.

Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

Như vậy, nếu vụ án của chị bạn không thuộc trường hợp xét xử kín thì khi biết lịch mở phiên toà xét xử, bạn và gia đình đều có quyền tham dự phiên toà và khi tham dự phải đảm bảo thực hiện đúng nội quy phiên toà (theo quy định tại Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer